Da khô là tình trạng da bị thiếu độ ẩm do mất nước ở lớp biểu bì. Điều này khiến cho lớp da dễ bong tróc thành các vảy mịn màu trắng hoặc khi sờ vào vùng da cảm thấy khô ráp. Đồng thời làn da không đủ ẩm dễ xỉn màu và thiếu sức sống hơn. Đây cũng là một trong những “nỗi ám ảnh” của chị em phụ nữ.
Khi gặp tình trạng khô da, nhiều người nghĩ cơ thể đang thiếu nước nên liên tục uống bù nước để da căng mịn lại. Nhưng thực tế, có một số trường hợp dù đã uống đủ nước nhưng da vẫn khô, thì rất có thể đang gặp các vấn đề khác.
Theo Claire Wingman – phó Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Da liễu Colorado (Mỹ), sau đây là một số yếu tố hoặc vấn đề thường gây khô da. Chị em hãy tự kiểm tra bản thân mình xem có mắc phải không:
– Do skincare sai cách
Chăm sóc da (skincare) hàng ngày là việc mà phụ nữ hay làm hàng ngày. Tuy nhiên, nếu skincare không đúng cách hoặc sử dụng mỹ phẩm không hợp lý, chúng cũng khiến làn da đi xuống trầm trọng chứ không tốt hơn bao nhiêu. Lấy ví dụ, một vài sản phẩm có chứa cồn hoặc có nhiều chất tẩy rửa sẽ làm trôi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da căng khô khó chịu.
Bên cạnh đó, một vài sản phẩm tẩy tế bào chết còn làm da mỏng và khô hơn nếu sử dụng quá nhiều. Hoặc thường xuyên sử dụng nước nóng để rửa mặt cũng khiến da bong khô từng mảng. Vậy nên, hãy xem lại cách skincare và sử dụng các sản phẩm dành riêng cho da khô hoặc da nhạy cảm.
– Thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Hiện nay, do nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, guồng quay công việc cũng áp lực hơn… nên nhiều người thường sinh hoạt không lành mạnh. Chẳng hạn như nhịn ăn sáng, ra ngoài không che chắn cẩn thận, thức khuya làm việc, uống nhiều nước có gas… Liên tục nhiều ngày như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe lẫn làn da.
Lấy ví dụ cụ thể hơn, chẳng hạn như hút thuốc sẽ làm giảm lưu lượng máu đến da, khiến da mất khả năng giữ ẩm, làm khô da và lão hóa sớm. Thức khuya làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi và stress – 2 tác nhân gia tăng sản xuất cortisol, một hormone gây khô da, viêm da.
Bên cạnh đó, thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn nhanh, nước ngọt… có thể làm mất cân bằng nước trong cơ thể, gây ra sự mất nước trong da. Đặc biệt là các loại đồ uống có cồn có thể làm mất nước từ cơ thể, gây ra da khô trầm trọng. Vậy nên nếu muốn làn da đẹp, hãy tránh xa những thực phẩm này càng nhiều càng tốt.
– Do một số loại bệnh tiềm ẩn
Một số loại bệnh như bệnh chàm, bệnh vẩy nến, suy giáp và tiểu đường có thể ảnh hưởng đến khả năng cấp ẩm của da. Lâu ngày không can thiệp sẽ dẫn đến khô, ngứa và viêm da nặng.
Ngoài ra, có một số loại thuốc như như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine và retinol cũng có tác dụng phụ làm khô da. Vậy nên khi có một trong những dấu hiệu da liễu trên, hãy loại trừ những khả năng có thể và đi khám sớm để bác sĩ tiến hành điều trị.
– Do rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết tố nữ xảy ra khi cơ thể có quá nhiều hoặc quá ít một hormone sinh dục, gây ra những thay đổi về thể chất, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Một vài rối loạn hormone là tạm thời trong khi số khác là mãn tính. Theo các chuyên gia, ước tính 80% phụ nữ sẽ bị rối loạn nội tiết ở một số thời điểm trong đời.
Rối loạn nội tiết tố nữ có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe của phụ nữ, trong đó bao gồm khô da. Nội tiết tố nữ, như estrogen và progesterone, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của nước và dầu trên da. Khi bị mất cân bằng trong sản xuất hoặc hoạt động của các hormone này, nó sẽ làm giảm độ ẩm và mất độ đàn hồi của da.
Thêm vào đó, rối loạn nội tiết tố cũng gây ra các vấn đề về da khác. Sự mất cân bằng hormone có thể làm tăng sản xuất dầu trên da, dẫn đến tình trạng da nhờn và mụn trứng cá. Vậy nên, khi bị khô da dài ngày, chị em hãy xem bản thân có đang bị rối loạn nội tiết hay không.
Cách phòng tránh khô da
Da khô là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là vào mùa đông. Bằng cách thay đổi một số thói quen và chế độ chăm sóc da, bạn có thể giữ cho làn da của mình trông mềm mại, mịn màng và đầy sức sống hơn. Cụ thể như sau:
– Dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt: Sau khi rửa mặt, bạn hãy lau khô và dùng kem dưỡng ẩm để khóa ẩm ngay cho da. Hãy lựa chọn những loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, nhớ đọc kỹ thành phần để đảm bảo an toàn.
– Không sử dụng nước quá nóng: Nước nóng có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da nhanh hơn nước ấm và thậm chí có thể gây tổn thương. Sau khi tắm hãy tránh chà xát mạnh, mà nhẹ nhàng vỗ lên da bằng một chiếc khăn mềm, điều này giúp một phần hơi ẩm còn lại trên da.
– Giữ ẩm từ bên trong: Ngoài việc uống đủ nước, bạn cũng nên tăng cường ăn các loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa và axit béo omega-3 .Cả hai chất dinh dưỡng này đều có thể bảo vệ làn da khỏi tác hại của môi trường.
Nếu như đã làm đủ mọi cách nhưng tình trạng da khô vẫn không cải thiện, da trở nên thô ráp xấu xí hơn, da có mẩn ngứa và mủ… thì tốt nhất là đến bác sĩ ngay. Khi đó bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng các phương pháp phù hợp với từng triệu chứng. Không được tự mua thuốc uống hay thuốc bôi về chữa tại nhà.
Theo Indiatimes, Healthline