Gia đình tôi đang dùng một số gia vị như muối, bột canh… trong thành phần có i-ốt, vừa qua tôi đọc thông tin nếu dùng muối i-ốt sẽ dẫn đến nguy cơ cao cường giáp, ung thư tuyến giáp và một số bệnh khác. Thông tin này đúng không? (Lê Văn Quân, TP.HCM).
Trả lời
Bộ Y tế thông tin, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa có một y văn nào đề cập đến sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994 đến nay) dẫn đến các bệnh lý tuyến giáp, nhất là ung thư tuyến giáp.
Số liệu của GLOBOCAN năm 2020 cũng cho thấy, trên thế giới, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 10 về số ca mắc mới, song chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định nguyên nhân là do i-ốt.
Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm.
Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019-2020, cho thấy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt.
Ở tất cả các nhóm đối tượng, mức trung vị i-ốt niệu đều thấp hơn so với khuyến cáo, như vậy người dân Việt Nam vẫn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị.
Báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về Phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Còn theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020, hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%.
Tác hại khi cơ thể bị thiếu i-ốt
Nếu cơ thể không đủ i ốt, tuyến giáp sẽ bị phình, dần phát triển thành bướu cổ. Ngoài ra, thiếu i-ốt còn dẫn đến suy giáp vì i ốt rất cần cho việc sản xuất hormon tuyến giáp.
Trẻ em, phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu i ốt do nhu cầu i-ốt ở nhóm này cao. Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai dễ gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Nếu thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.
Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng…