Diệu Linh (23 tuổi, TP.HCM) bắt đầu chỉnh nha từ năm 13 tuổi và đeo mắc cài từ năm 16 tuổi. Giờ đây, cô đang chuẩn bị chi thêm vài chục triệu để niềng răng thêm một lần nữa.
Hai lần niềng răng
Năm Diệu Linh 13 tuổi, mẹ cô cảm thấy răng con gái hơi hô nhưng không đưa đi khám. Sau khi tìm hiểu ở một số người bạn, cô được mẹ đưa đến một cửa hàng bán vật tư y tế quen để mua dụng cụ niềng răng.
Hàng ngày, Linh đeo dụng cụ này khi ngủ và tháo ra khi đi học. Việc đeo một dụng cụ không được người có chuyên môn căn chỉnh trong thời gian dài khiến răng không còn chắc chắn và hô dần. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Diệu Linh được mẹ dẫn đi niềng răng mắc cài sứ.
“Sai lầm đầu tiên là tự ý mua dụng cụ chỉnh răng, không qua thăm khám của bác sĩ. Sai lầm tiếp theo là không nhổ răng theo chỉ định của bác sĩ”, Linh chia sẻ.
Ở thời điểm đó, nhiều nha khoa yêu cầu nhổ 4 răng nhưng Linh và gia đình không đồng ý vì sợ ảnh hưởng hệ thần kinh.
Bất chấp niềng răng trong 3 năm, đến khi tháo mắc cài, do không được cho đeo hàm duy trì, răng cô bắt đầu “chạy” về lại như cũ. Giờ đây, sau 6 năm, Linh đang lại chuẩn bị cho lần niềng răng thứ 2 để thay đổi sai lầm trong quá khứ.
Khác với Linh, Tố Trân (24 tuổi, TP.HCM) bắt đầu niềng răng từ năm 3 đại học sau nhiều năm tự ti với hàm răng khấp khểnh, lộn xộn cả hai hàm.
Dù không ai để ý khuyết điểm nhỏ này, hàm răng vẫn là điểm yếu của Trân. Ở thời điểm đó, dù rất năng nổ tham gia các câu lạc bộ văn nghệ trong trường, liên tục cầm micro hát tại nhiều sự kiện, Trân rất tự ti với bộ nhá của mình. Cô gần như không cười hé miệng, nói chuyện cũng rất để ý vì sợ lộ hàm răng.
Sự tự ti ngày một lớn, khiến cô gần như không thể thoải mái khi ra ngoài vì chỉ chăm chăm để ý vào khuyết điểm của bản thân. Đến năm 20 tuổi, Trân mới quyết định đi niềng răng.
“Trước khi đi khám, mình nghĩ răng mình chỉ có vấn đề nhỏ. Nhưng phải đến khi gặp bác sĩ, mình bất ngờ vì răng mình có ti tỉ vấn đề, phải nong hàm, cắt lợi, gắn vít… và dự kiến phải mất 3 năm mới niềng xong vì lúc này xương mình đã không còn phát triển”, Trân nhớ lại.
Tuy nhiên, điều may mắn là răng Trân “chạy” rất nhanh. Dù vướng 7-8 tháng không thể siết răng vì dịch, cô cũng chỉ mất 2 năm 9 tháng để tháo mắc cài và có một nụ cười như mong muốn.
“Dù ‘nhan sắc thăng hạng’, tự tin hơn hẳn, mình vẫn gặp vài vấn đề nho nhỏ như nói đớt và hay quên do dùng quá nhiều thuốc tê cũng như thuốc giảm đau. Nhưng cuối cùng, điều mình hối hận duy nhất là không niềng răng sớm hơn”, Trân chia sẻ.
Thời điểm niềng răng đẹp nhất
Trao đổi với Tri Thức – Znews, ThS.BS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, niềng răng (hay nắn chỉnh răng) là phương pháp điều chỉnh hàm khi răng không đều, hô, móm, răng bị xô lệch hay khớp cắn không đúng.
“Hiện nay, sự quan tâm về thẩm mỹ răng miệng được nâng cao lên rất nhiều. So với trước đây, mọi người niềng răng nhiều hơn, trẻ em được niềng răng sớm hơn, đội ngũ bác sĩ cũng đông đảo và có tay nghề cao hơn để đáp ứng nhu cầu này”, bác sĩ Minh đánh giá.
Theo bác sĩ Minh, việc nắn chỉnh răng nên được làm càng sớm càng tốt, tuỳ theo vấn đề mà khách hàng mắc phải.
Các trường hợp móm hàm (có hàm dưới nhô ra so với hàm trên) không cần chờ thay hết răng mà nên nắn chỉnh càng sớm càng tốt.
“Trẻ khoảng 7 tuổi và đã thay 4 răng cửa trên, 4 răng cửa dưới, có thể bắt đầu được can thiệp chỉnh hàm móm. Ở độ tuổi nhỏ, các em bé sẽ được cho sử dụng các khí cụ đeo vào đầu, chặn sự phát triển quá mức của hàm dưới từ giai đoạn sớm”, bác sĩ Minh cho hay.
Còn đối với các trường hợp hô hàm, thời điểm đẹp nhất để can thiệp là sau khi thay toàn bộ răng, khoảng 12 tuổi.
“Tuy nhiên, về nguyên tắc, mọi người vẫn có thể niềng răng khi răng đang có độ linh hoạt, khi xương vẫn còn phát triển. Càng lớn, răng càng chắc, việc nắn chỉnh răng có thể mất nhiều thời gian hơn, mất công hơn”, bác sĩ Minh nói thêm.
Theo bác sĩ Minh, nắn chỉnh răng là kỹ thuật nha khoa phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khi quyết định thực hiện, mọi người nên tìm hiểu kỹ về nha khoa cũng như bác sĩ thực hiện kỹ thuật này cho mình. Nếu bác sĩ không khéo, việc chỉnh nha cũng có thể gặp một số biến chứng như lộ chân răng, khớp cắn không đều…