Thanh long là trái cây được trồng nhiều ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh miền Tây Nam bộ nước ta. Ngoài thanh long ruột trắng, còn có loại ruột đỏ và tím. Trái cây này ngoài ăn trực tiếp còn được sử dụng để chế biến các món ăn như mì tôm thanh long, bánh mì, salad, các loại bánh…
Thanh long rất giàu vitamin C, vitamin A, vitamin B1, vitamin B12, vitamin E và chứa một lượng kali, magie, kẽm và photpho. Quả cũng có canxi, đồng và sắt với lượng nhỏ hơn. Thanh long cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid, betaxanthin và betacyanins.
100g trái thanh long cung cấp 85 – 87g nước, 1,1g đạm, nhiều vitamin và chất khoáng (như vitamin A, C, PP), 10,2mg canxi, 6,07mg sắt, 27,5mg photpho, 27,2mg kali, 2,9 mg natri, cung cấp 40 – 60 calo.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội Việt Nam cho biết thanh long chứa nhiều chất nhầy pectin, chất xơ hòa tan và chất xơ không tan cellulose đều có tác dụng phòng trị bệnh táo bón, béo phì, xơ vữa động mạch, viêm ruột kết…
Thanh long còn là trái cây có chứa lượng đường thấp, giàu magie, nhiều vitamin và khoáng chất, lại ít năng lượng. Vì thế, ăn thanh long thường xuyên rất tốt cho người tiểu đường, người mập phì nóng nhiệt, đang cần giảm cân. Ngoài ra, nó còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm mức cholesterol xấu và bổ sung thêm cholesterol tốt. Trái cây này rất giàu chất béo không bão hòa đơn giúp trái tim được nghỉ ngơi trong tình trạng tốt nhất.
Tuy nhiên quả thanh long được cho là loại quả ngậm hóa chất cao mà không phải ai cũng biết. Theo thông tin trên Kienthuc.net, bà Nguyễn Mỵ (56 tuổi, ở Bình Thuận) từng nhiều năm trồng thanh long bán cho các thương lái mang đi xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nước khác. Bà cho biết, thanh long là loại quả dễ bị sâu bệnh, các loại nấm tấn công nên được người trồng chăm sóc kỹ, từ khi trái vừa hình thành đến khi cắt khỏi cây.
Những quả tự nhiên, chỉ to khoảng 200 – 400 gam/trái, vỏ mỏng và đỏ đậm. Tai của quả thanh long này thường mỏng, nhìn không đẹp, có màu vàng hoặc đỏ tím, quặp vào trái. “Những trái thanh long này ăn rất ngọt, không bị chua và có mùi thơm rất đặc trưng, nhưng thường có ít hoặc chỉ trồng để gia đình ăn, không phải để làm kinh tế”, bà Mỵ chia sẻ.
Thanh long được nhà vườn trồng để xuất khẩu, bán ra thị trường, một trái sẽ nặng khoảng 300g đến 1,5kg. Vốn dĩ, thanh long là “con mồi” của các loại sâu bệnh, nấm, ốc sên… nên những trái này sẽ được người trồng phun thuốc trừ sâu, bọc giấy báo cẩn thận. Tai của quả cũng sẽ được vuốt bằng thuốc lúc quả đã hình thành tai và trước khi cắt bán vài ngày để nó xanh và không bị gãy. Vì vậy, vỏ của trái loại này sẽ dày, màu đỏ đều nhưng tai sẽ có màu xanh, cứng, giòn, nhìn đẹp. “Những trái to đều, tai đẹp mới được chọn đi xuất khẩu. Những trái vỏ bị nứt, tai xấu và không đều sẽ thành hàng dạt”, bà Mỵ chia sẻ.
Nhiều người cho rằng, quả thanh long có vỏ dày, khi ăn bỏ vỏ đi sẽ an toàn. Bà Mỵ cho rằng, các loại thuốc trừ sâu sử dụng cho quả thanh long được hầu hết các nhà vườn sử dụng trong ngưỡng cho phép, mua ở những công ty phân bón và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên bà khuyên, trước khi ăn thanh long, mọi người nên rửa sạch dưới vòi nước để đảm bảo an toàn. Đây cũng là ý kiến của bác sĩ Đinh Minh Trí, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Theo bác sĩ Trí, dù vỏ thanh long dày, nhưng không loại trừ trường hợp hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật thôi nhiễm, nên tốt nhất mọi người cần rửa sạch trước khi cắt ăn.
Theo bà Mỵ, quả thanh long có 1 đặc điểm ít người biết là có thể chín lần 2 (chín lại). “Khi trái thanh long chín, nếu người trồng không hái xuống nó sẽ xanh trở lại và chín lần nữa” bà Mỵ chia sẻ. Những quả thanh long này, vỏ sẽ dày, có màu xanh hoặc đỏ pha xanh, bề mặt lùi xùi. Tai cũng sẽ cứng hơn bình thường. Điều đặc biệt, ruột sẽ có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng.
“Đây là quả thanh long được gia đình tôi thường xuyên ăn hoặc mang đi biếu người quen, họ hàng… Khi thấy những quả thanh long này, mọi người nên chọn mua, vì nó được chín lại lần 2 ăn sẽ ngọt và ít hoặc không bị ngâm hóa chất”, bà Mỹ chia sẻ bí quyết.
Một số công dụng của quả Thanh Long
Giúp chống viêm, giảm viêm khớp
Viêm khớp là căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các khớp xương và gây kích ứng đến các khớp, thậm chí gây liệt. Thêm thanh long vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể giúp chống viêm, giảm viêm khớp.
Chống ung thư
Ngoài vitamin C, thanh long còn chứa carotene – dưỡng chất giúp chống ung thư và giảm các khối u hiệu quả. Bên cạnh đó, lycopene trong phần màu đỏ của quả thanh long được chứng minh giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.
Giúp giảm cân
Muốn giảm cân, bạn hãy thêm thanh long vào chế độ ăn hàng ngày. Nguyên nhân là do thanh long chứa ít calo và nhiều chất xơ, điều này sẽ giúp cơ thể cảm thấy no nhanh hơn và kiểm soát sự thèm ăn hiệu quả.
Giảm dấu hiệu lão hóa cho da
Các chất chống oxy hóa của thanh long giúp giảm tác dụng của các gốc tự do gây tổn hại tế bào trong cơ thể. Điều này mang lại cho làn da luôn căng mịn, trẻ trung. Có thể sử dụng mặt nạ thanh long kết hợp cùng mật ong để chống lão hóa cho da.