Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Công khai mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội” phản ánh tình trạng rao bán, cho thuê tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội Facebook…
Nối tiếp phản ánh trên, bạn đọc có tên NN (ngụ Vĩnh Long) cho biết vì cần tiền nên đã nghe theo lời của một người trên mạng xã hội Facebook mở tài khoản ngân hàng để nhận thù lao 500.000 đồng.
Chuyện tưởng như sẽ chẳng có gì cho đến một ngày đẹp trời công an lại mời NN làm việc bởi có một người khác gửi đơn khiếu nại, người này cho biết đã chuyển tiền nhầm vào số tài khoản mà NN đã được mở trước đó.
Thu lợi nhỏ, rủi ro lớn
Anh NN cho biết thời gian khi còn là sinh viên anh được một tài khoản có tên LAT nhắn tin làm quen và giới thiệu công việc, tạm gọi “việc nhẹ lương cao”.
Công việc mà LAT nói chỉ cần cung cấp mọi thông tin cá nhân, hình ảnh, CMND/CCCD và sử dụng SĐT đối tượng cung cấp để mở một tài khoản ngân hàng. Khi đã mở tài khoản thành công lập tức sẽ nhận ngay tiền công 500.000 đồng.
Có tiền trong khi chỉ cần cung cấp thông tin nên NN đã không nghĩ ngợi nhiều mà lập tức đồng ý, mở tài khoản.
“Khi đã mở tài khoản thành công, tôi nhận được tiền thì tôi và tài khoản LAT cũng cắt đứt liên hệ. Đến nay, tôi tìm lại tài khoản đó thì đã bị khoá” – anh N nói.
Thời gian sau đó, công an xã nơi anh N sinh sống mời anh đến làm việc với nội dung bị một người có tên LK gửi đơn khiếu nại đã chuyển nhầm số tiền 50 triệu đồng vào tài khoản của anh N.
“Qua buổi làm việc, tôi cũng có trình bày tài khoản này tôi không dùng đến, số tiền 50 triệu đó tôi cũng không nhận và cũng không dùng. Thế nhưng, anh LK lại yêu cầu tôi hoàn lại tiền nếu không sẽ thưa tôi ra toà” – anh N kể.
Anh N thắc mắc, việc mở tài khoản mua bán cho người khác là không đúng, nhưng liệu việc anh N không dùng số tiền đã bị chuyển nhầm, dù tài khoản đó là của anh thì anh có trách nhiệm phải trả lại số tiền đó hay không?
Đúng sai thế nào?
Trao đổi với PV, ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định: Đối với hành vi anh NN cho mượn thông tin CMND, khoản 4, Điều 10, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy CMND, CMND hoặc thẻ CCCD;
– Mượn, cho mượn Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Như vậy, anh NN có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Đối với số tiền 50 triệu đồng chuyển nhầm: Trường hợp anh NN chỉ là cho thuê, cho mượn CMND nhưng không trực tiếp liên quan đến hành vi không trả lại tiền (do tài khoản hiện nay do người khác thực tế sử dụng) cho anh LK thì hành vi đó không cấu thành tội phạm.
Đặt vấn đề nếu anh N không dùng số tiền đã bị chuyển nhầm thì anh có trách nhiệm phải trả lại số tiền đó hay không, ThS Hiếu cho biết:
Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Điều 580 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã nêu rõ về tài sản hoàn trả, áp vào vụ việc thực tế của anh NN thì anh đang không thực tế chiếm hữu nên anh không phát sinh nghĩa vụ phải trả lại tiền cho chủ sở hữu.
Về người đang giữ số tài khoản của anh N dùng vào việc không đúng pháp luật thì trường hợp này cần phân tích các trường hợp có thể xảy ra trên thực tế để áp dụng các quy định của pháp luật.
Trước hết đối với hành vi mượn/thuê CMND/CCCD: tương tự như anh NN, thì anh LAT (người giữ tài khoản của anh NN) sẽ phải chịu phạt vi phạm hành chính.
Nếu anh LAT có hành vi nhận được tiền chuyển khoản nhầm nhưng không trả lại cho chủ sở hữu thực sự mặc dù đã được thông báo, nhắc nhở thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS.
Ngoài ra, giả sử LAT thực hiện các hành vi khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người khác gửi tiền vào số tài khoản đang giữ thì người này có thể bị xem xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS.
Ngoài khía cạnh pháp lý, theo ThS Hiếu thì anh NN cần cầm ngay giấy tờ tùy thân ra ngân hàng để đóng tất cả các tài khoản mà mình đã mở nhưng không sử dụng, để tránh các rủi ro tiếp theo trong tương lai.