Ngày 24-10 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 29 quy định một số mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đây được xem là nghị quyết giàu tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với một bộ phận người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai nghị quyết đã bộc lộ bất cập khiến người hưởng chính sách gặp khó trong.
Cụ thể, thủ tục yêu cầu người hưởng phải cung cấp giấy ra viện và tóm tắt bệnh án có tên bệnh đúng theo danh mục 42 bệnh hiểm nghèo được ghi trong Nghị quyết 29.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, danh mục 42 bệnh hiểm nghèo của Nghị quyết 29 có những tên bệnh không đúng với tên gọi mà ngành y tế quy định. Ví dụ Nghị quyết 29 ghi tên bệnh là “suy thận”; trong khi tên gọi của ngành y là suy thận cấp (mã bệnh là N17), suy thận mạn (mã bệnh là N18)…
Khi bác sĩ ghi đúng tên bệnh trong hồ sơ bệnh án thì bệnh nhân lại không được chính quyền địa phương cho nhận hỗ trợ vì tên bệnh không đúng y chang tên bệnh hiểm nghèo được ghi trong Nghị quyết 29.
“Vướng mắc này gây khó, rất tội cho người dân”, ông Lê Thanh Long nói.
Được biết trước đó, năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 43 trên cơ sở Nghị định 134/2016 (phụ lục IV quy định 42 bệnh hiểm nghèo). Tháng 10-2024, Nghị quyết 29 được ban hành nhằm thay thế Nghị quyết 43, cốt lõi vẫn dựa trên tinh thần của Nghị quyết 43.
“Trước đây Nghị quyết 43 cũng sử dụng danh mục 42 bệnh hiểm nghèo (theo Nghị định 134/2016), nhưng áp dụng được cho những trường hợp mắc bệnh tương đương 42 loại bệnh hiểm nghèo được nêu trong danh mục. Nhưng đến Nghị quyết 29 thì địa phương yêu cầu phải đúng y nguyên tên bệnh, không còn áp dụng tính tương đồng, cho nên vướng”, ông Long nói tiếp.
Theo ông Long, đơn vị đã phát hiện bất cập, trao đổi với các bác sĩ chuyên môn nhằm hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định không thể đáp ứng đề nghị xin xác nhận bệnh đúng y nguyên tên bệnh ghi trong phụ lục 42 bệnh hiểm nghèo của Nghị quyết 29, vì tên bệnh phải được ghi đúng như ngành y quy định.
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ ở Quảng Nam cho hay: Sau khi ra viện, nhiều bệnh nhân quay lại bệnh viện xin xác nhận bệnh “giống y nguyên trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo theo Nghị quyêt 29”. Tuy nhiên, hồ sơ ra viện tuân thủ theo chuẩn phân loại quốc tế về bệnh tật.
“Chuẩn này không có mã bệnh giống y nguyên trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo của Nghị quyết 29. Ví dụ, bệnh “nhồi máu cơ tim cấp” có mã bệnh là I21, không có mã bệnh nào có tên “nhồi máu cơ tim lần đầu” như trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo của Nghị quyết 29”, vị bác sĩ nói.
Theo vị bác sĩ này, trước đây khi tỉnh Quảng Nam áp dụng Nghị quyết 43, bệnh viện linh động làm giấy xác nhận bệnh tương đương như tên gọi của 42 bệnh hiểm nghèo. Nhưng khi áp dụng Nghị quyết 29 thì không được xác nhận bệnh tương đương nữa, mà phải ghi đúng tên bệnh như trong danh mục 42 bệnh hiểm nghèo thì người dân mới được nhận hỗ trợ.
“Có bệnh nhân nói “bác sĩ cho em chữ “nhồi máu cơ tim lần đầu’”, nhưng mà làm gì có mã bệnh đó mà cho… Bệnh nhân trách mình ghê gớm, nhưng không thể làm được”, vị bác sĩ chia sẻ.
Bên cạnh việc tên bệnh của Nghị quyết 29 không khớp với tên bệnh trong hồ sơ bệnh án khiến người dân không được nhận hỗ trợ thì còn có trường hợp hồ sơ bệnh án ghi bệnh nhân mắc 4 bệnh nhưng địa phương yêu cầu phải ghi mắc 1 bệnh (được nêu tên trong Nghị quyết 29) mới được nhận hỗ trợ.
Chấn chỉnh bất cập
Trao đổi với chúng tôi, bà Đoàn Thị Hoài Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, cho hay để Nghị quyết 29 được thực hiện đúng với tinh thần nhân văn, sở đã tham khảo ý kiến của ngành y tế. Những người lần đầu xin hưởng phải có giấy ra viện kèm tóm tắt bệnh án, việc này là bắt buộc nhằm kiểm soát gian lận, trục lợi chính sách nhân văn của tỉnh.
“Hiện nay, một số trường hợp người dân có tên bệnh gần giống với tên bệnh nêu trong Nghị quyết 29 thì đang được tổng hợp xin ý kiến cấp trên. Những trường hợp vướng thì đề nghị địa phương hướng dẫn cho họ rõ, chờ xin ý kiến giải quyết. Còn những trường hợp ghi đúng tên bệnh vẫn tiếp tục được giải quyết”, bà Nhi yêu cầu.
Cũng theo bà Nhi, Sở LĐ-TB&XH không bắt buộc người mắc nhiều bệnh mà xác nhận 1 bệnh. Có thể là do cán bộ cấp xã không nghiên cứu kĩ nghị quyết, hướng dẫn.
“Cán bộ phải giải quyết cho họ chứ tại sao yêu cầu họ đi xác nhận. Họ đã mắc 4-5 bệnh còn khổ hơn nữa, cán bộ không giải quyết có phải làm khổ dân không? Cái này do cán bộ hiểu máy móc làm phiền hà cho người dân, còn chính sách thì rõ ràng”, bà Nhi nói tiếp.
Trả lời PLO, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng, cho biết đã nắm thông tin các bất cập khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và chỉ đạo các đơn vị rà soát, chấn chỉnh. Ông cho rằng các địa phương đang làm một cách máy móc.
“Ví dụ, bệnh suy thận là quy định chung (trong Nghị quyết 29 – PV), sẽ có nhiều bệnh cụ thể như suy thận giai đoạn 1, 2, 3…; hay như ung thư cũng có nhiều loại bệnh ung thư. Tôi đang giao cho anh em rà soát, Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, chấn chỉnh. Một chính sách rất nhân văn của tỉnh mà gây khó cho người dân là không được”, ông Dũng khẳng định.
Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu: Dựa trên đặc thù của địa phương để ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo cần hỗ trợ
Ngày 19-12, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng Nghị quyết số 205 về Quy định hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Nghị quyết 309 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 209/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, Tỉnh Lâm Đồng quy định hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ chi phí đi lại, hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất do mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Những người được hỗ trợ bao gồm: người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã thuộc vùng khó khăn theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
Đáng chú ý, trong các Nghị quyết này, HĐND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ tên các loại bệnh được hỗ trợ theo đặc thù của địa phương chứ không phải hỗ trợ hết cho 42 bệnh hiểm nghèo theo Nghị định 134/2016. Người mắc các bệnh hiểm nghèo được tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ gồm: Ung thư; chạy thận nhân tạo; mổ tim; phẫu thuật các bệnh lý: Sọ não; cột sống; thay khớp; ghép tạng; ghép tủy; các bệnh lý có can thiệp tim (đặt stent, cấy máy tạo nhịp, thăm dò triệt đốt điện sinh lý trong buồng tim); các bệnh lý có can thiệp mạch máu (não; gan; thận; lách); bỏng nặng (nhiều vị trí trên cơ thể hoặc ≥ 30% diện tích cơ thể); xơ gan/viêm gan B; viêm gan C.
Về xác định bệnh lý để hỗ trợ, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh Lâm Đồng áp dụng chính sách đặc thù của địa phương để tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành danh mục các loại bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ.
Về tiêu chí, tỉnh Lâm Đồng dựa trên các bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có chi phí cao mà người dân hay mắc phải để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết đặc thù.
Theo báo cáo, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng dành gần 14 tỷ để khám chữa bệnh cho người nghèo. Theo dự toán phân bổ kinh phí, năm 2025, con số này được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng dự kiến phân bổ là gần 18 tỷ đồng.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng dựa trên đặc thù của địa phương để ban hành 3 nhóm bệnh phổ biến nhất mà người dân hay gặp phải để ban hành nghị quyết hỗ trợ.
VÕ TÙNG- KHÁNH LY ghi