Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), cho biết ông P.V.D. (64 tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng ăn uống kém, suy kiệt. Trước đó, ông D. có thời gian ăn uống kém kèm nuốt nghẹn kéo dài suốt nửa năm.
Tình trạng nuốt nghẹn ngày càng tăng dần, kèm theo đi tiêu ra máu, người bệnh lo lắng nên đến Bệnh viện Nguyễn Trãi thăm khám. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện ông có khối u thực quản 1/3 giữa và u trực tràng.
Sau khi sinh thiết, kết quả cho thấy người bệnh bị ung thư thực quản và ung thư trực tràng. Bác sĩ chỉ định cắt thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày, đồng thời cắt trực tràng và nạo hạch bằng phương pháp nội soi.
Sau mổ, bệnh nhân được tập ăn lỏng từ ngày thứ 5, rút hết các ống dẫn lưu ở ngày thứ 7. Vết mổ đã lành, bệnh nhân giảm đau và ăn được, tiêu tiểu tự chủ.
Bác sĩ Tiến cho hay trường hợp ông D. rất đặc biệt khi không may bị ung thư ở hai vị trí khác nhau trên đường tiêu hóa là thực quản và trực tràng. Điều trị đồng thời hai loại ung thư là thử thách lớn đối với các bác sĩ.
“Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cân nhắc giữa việc loại bỏ hoàn toàn khối u và bảo tồn chức năng các cơ quan rất quan trọng. Bác sĩ phải tính đến tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Tiến nói.
Ung thư đường tiêu hóa là bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Bác sĩ Tiến khuyến cáo mọi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người trên 45 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, béo phì.
Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân ung thư cần tầm soát sớm và chú ý các triệu chứng như khó nuốt, đau bụng, đi cầu phân máu để khám kịp thời. Sự chủ động phòng ngừa, tầm soát giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống.