Hơn 50 tuổi, chú Tài “khờ” bỗng dưng đòi ly hôn thím Hương – người đã gắn bó với chú suốt 30 năm tình nghĩa.
Bỗng dưng chú tôi đòi ly hôn, cả nhà ngỡ ngàng (ảnh minh họa) |
Thím Hương sững sờ. Cả gia đình tôi ngỡ ngàng. Không hiểu chú tôi nghĩ gì khi đưa ra quyết định đường đột và “bồng bột” như vậy. Kẻ đoán già, người đoán non. Lẽ nào chú lại “say nắng” như ngày thím sinh đứa con thứ 2 được vài tháng?
Mọi nghi ngờ, trách móc đều dồn hết về chú Tài, bởi thím Hương xưa nay là người phụ nữ hoàn hảo, được mọi người hết lòng tin tưởng.
Các bác và cô tôi lập nhóm chat riêng để bàn cách “bảo ban” chú Tài trước khi tổ chức cuộc họp gia đình có mặt chú thím hòng “chỉnh đốn” chú.
Thím Hương là dâu, nhưng luôn được gia đình tôi bênh vực trong mọi hoàn cảnh. Bác Hai tôi nói, nếu vợ chồng chú Tài ly hôn, người đưa đơn phải là thím Hương mới đúng. Thím giỏi giang tháo vát đủ đường, nói được làm được. Thím tính gì cũng hay, làm gì cũng trúng. Ngược lại, chú tôi tên Tài mà bất tài, làm gì cũng vụng về, không nên cơm cháo.
Nghe bác Hai nói, bác Ba, cô Năm đều đồng tình. Quả thật, xưa nay mọi việc trong nhà chú đều một tay thím Hương lo liệu, gánh vác, từ chuyện làm ăn, mua bán, đến con cái học hành, đối nội đối ngoại… Chú Tài như thiên lôi, chỉ đâu đánh đó. Nếu không có thím, dễ gì chú được như ngày hôm nay. Cả gia đình nội cũng nhờ thím Hương giúp đỡ mà ăn nên làm ra hơn trước.
Buổi họp gia đình nhanh chóng diễn ra. Đối diện với ánh mắt giận dữ của chị Hai, chị Ba và vẻ mặt nghiêm nghị của anh Tư – là ba tôi – cùng câu hỏi: “Sao chú lại đòi ly hôn?”, chú Tài chỉ khẽ thở dài, buông câu chán chường: “Em quá mệt mỏi khi sống với người luôn luôn đúng”.
Câu trả lời của chú Tài khiến thím Hương và gia đình tôi ngỡ ngàng. Thím luôn đúng thì có gì… sai? Chẳng kịp đợi chú giải thích sâu hơn, mọi người xối xả chụp lên đầu chú những lời nhiếc móc khó nghe, rồi chốt lại: nếu chú bỏ vợ, anh chị em sẽ không nhìn mặt chú.
Đêm đó, chú Tài ấm ức không ngủ nổi. Thím Hương cũng băn khoăn, trằn trọc mãi. Lần đầu tiên sau bao năm làm vợ, thím Hương chủ động tâm sự với chồng. Thím muốn nghe chú nói nói hết những suy nghĩ chú giấu kín trong lòng, và muốn biết vì sao thím luôn đúng lại là cái tội.
Thấy vợ có thiện chí, chú Tài cũng mở lòng: “Bởi vì em luôn đúng, nên lúc nào anh cũng là người sai. Sống với nhau hơn 30 năm, anh chưa một lần đúng”. Nghe tới đó, thím Hương bần thần. Tâm trí thím “tua” nhanh quãng đời 30 năm làm vợ của mình.
Không lẽ luôn đúng cũng là cái tội? (ảnh minh họa) |
Hồi mới cưới, sau lần chú Tài khởi nghiệp thất bại, vốn liếng bốc hơi hết, lại nợ thêm một khoản kha khá. Thím Hương xót của nên thường càm ràm, chê trách chú. Từ đó, thím mặc định trong lòng: chú làm gì cũng sai, nói gì cũng chướng. Mọi việc thím đều tự quyết định, hễ chú đòi tham gia, thím gạt phắt đi.
Thím Hương giỏi giang và may mắn nên công việc thuận lợi, nợ nần được trang trải, kinh tế khá dần lên. Thím thành công bao nhiêu thì chú Tài lép vế bấy nhiêu. Dần dần, chú không còn tiếng nói trong gia đình nữa.
Chú Tài nói, việc ai đúng ai sai thật ra không phải là vấn đề, mà vấn đề ở chỗ thím quá hiếu thắng, dẫn đến coi thường chồng, khiến các con và cả gia đình nội ngoại đều xem chú là kẻ khờ vô dụng. Bao nhiêu năm, chú lẳng lặng, nín nhịn vì con cái. Nay các con đã yên bề gia thất, nên chú muốn được là chính mình.
Thím Hương bật khóc. Thím xin lỗi vì đã làm tổn thương chú suốt bấy lâu nay. Giọt nước mắt chân thành của thím có lẽ sẽ cứu được cuộc hôn nhân bên bờ đổ vỡ…