Người ta nói, cha yêu thương thì mẹ bình yên, mẹ bình yên thì con bình yên. Vợ chồng có thể chung sống hòa thuận hay không là chìa khóa để con cái lớn lên tự do, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Cha mẹ muốn giáo dục con thành tài thì trước tiên phải quan tâm đến việc tạo cho con một môi trường gia đình tốt. Nếu không, sau này dù có rất thành đạt, xuất sắc thì trẻ vẫn sẽ mang trong mình những vết sẹo khó lành.
Có người từng kể một câu chuyện: Khi còn nhỏ, cô ấy từng nghĩ rằng mẹ không yêu mình. Bà lúc nào cũng nổi giận hoặc vô cớ khóc lóc với con, cũng như nói những điều mà cô không thể hiểu được. Cô gái cảm thấy mình là bao cát và thùng rác của mẹ.
Khi lớn lên, cô bắt đầu hiểu rằng không phải mẹ không yêu con và mẹ vốn sinh ra không phải là một người bất ổn về mặt cảm xúc. Tất cả những thay đổi này đều liên quan đến sự vô tâm của người cha.
Ảnh minh họa |
Cha của cô ban đầu chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng nhờ tài giao tiếp và sự lanh lợi, sau một thời gian dài làm việc đã được thăng chức làm giám đốc bán hàng của công ty. Từ đó trở đi, người cha ngày càng ít ở nhà, cơ hội cả nhà ăn cơm cùng nhau cũng hiếm hoi hơn.
Vị trí mới của người cha đã mang lại nhiều thu nhập cho gia đình, theo gợi ý của ông, vợ nên ở nhà, trở thành một bà nội trợ để dễ chăm sóc con cái. Từ đó trở đi, cuộc sống của người mẹ hoàn toàn tập trung vào con, mối quan hệ giữa cha và mẹ cũng dần xuất hiện những rạn nứt.
Người này cho biết, cha cô có thể thoải mái nói chuyện bên ngoài và hóm hỉnh, là người có trí tuệ cảm xúc cao trong mắt đồng nghiệp và lãnh đạo. Nhưng vừa trở về nhà, ông lại trở nên trầm lặng, phớt lờ lời nói của vợ. Sau khi nghỉ việc, người mẹ gần như không giao tiếp xã hội, dần dần xa lánh bạn bè. Vì vậy, mẹ cô rất mong muốn được giao tiếp với cha, mong được đáp lời.
Tuy nhiên, sự chủ động của mẹ cô không nhận được phản hồi. Cô gái phát hiện ra rằng mẹ bắt đầu thường xuyên lặp lại một câu nào đó, thường xuyên mắng cha và mất kiểm soát cảm xúc. Cha cô lại ngày càng ít quan tâm đến việc nói chuyện với vợ, vì vậy đứa con trở thành lối thoát cho mẹ trút bỏ cảm xúc và nỗi đau.
Cô dần trở thành người nhút nhát, ngại tiếp xúc, không mạnh dạn và thiếu tính sáng tạo trong học tập. Lúc nào trong tâm trí cô cũng mong muốn nhanh trưởng thành để thoát ly khỏi gia đình.
Cách nuôi dạy con ngoan: Cha mẹ yêu thương nhau là phong thủy tốt nhất cho gia đình
Việc vợ chồng có thể tạo dựng được bầu không khí gia đình hòa thuận và yêu thương nhau hay không là điều rất quan trọng đối với sự trưởng thành của con cái. Cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:
● Học cách chấp nhận lẫn nhau
Nhiều cuộc cãi vã của các cặp đôi thường bắt đầu bằng việc không hài lòng với cách cư xử, thói quen, sở thích của nhau. Nhưng trên đời không có hai chiếc lá nào giống hệt nhau, cũng không có hai người nào giống hệt nhau và trở thành mảnh ghép hoàn hảo. Trong quá trình yêu đương rồi trở thành bạn đời, điều làm chúng ta tốt dần hơn chính là đi qua xích mích để hiểu nhau hơn. Quan trọng hơn, vợ chồng phải biết học cách chấp nhận lẫn nhau.
Ví dụ, chồng thích xem bóng đá, còn vợ thích xem phim thần tượng, hai người có thể cãi nhau vì chiếc điều khiển từ xa. Dần dần, hôn nhân đã trở thành một cuộc chiến, luôn có một bên muốn thống trị bên kia và khiến đối phương phải tuân theo mệnh lệnh của mình.
Ý thức về ranh giới rất quan trọng trong một mối quan hệ thân mật. Chúng ta không thể vượt quá và ép buộc người khác trở thành con người giống như mình. Mỗi người là một cá thể, mỗi người là duy nhất. Nếu muốn gia đình hòa thuận và nuôi dạy con cái bằng sự đồng cảm sâu sắc, cha và mẹ phải học cách tôn trọng, bao dung và chấp nhận lẫn nhau. Hôn nhân là quá trình giữa hai người dần dần xích lại gần nhau, càng hòa hợp thì con cái càng hạnh phúc và gia đình càng gặp nhiều may mắn.
● Học cách lắng nghe cẩn thận
Mối quan hệ của nhiều cặp đôi tan vỡ, chủ yếu là do họ không lắng nghe. Người vợ muốn chia sẻ chiếc váy vừa mua hôm nay hay kiểu tóc mới, nhưng người chồng chỉ nói “hmm” hoặc “đẹp” mà không hề ngẩng đầu lên. Điều này dập tắt ngọn lửa giao tiếp tiếp tục giữa hai người. Theo thời gian, cảm xúc của người vợ sẽ ngày càng trở nên tiêu cực, ngại chia sẻ.
Lắng nghe là bước đầu tiên để giao tiếp hiệu quả… Rất khó để những cặp vợ chồng không lắng nghe nhau kỹ càng trở thành bậc cha mẹ biết lắng nghe con cái.
Một đứa trẻ sinh ra là một tờ giấy trắng, sau này sẽ trở thành như thế nào phụ thuộc phần lớn vào sự “nhào nặn” của cha mẹ. Cha mẹ không biết lắng nghe một cách chăm chú sẽ khiến con cái mãi mãi tự ti, dễ xúc động, nổi loạn, ảnh hưởng đến cuộc sống lẽ ra rất tươi đẹp và hạnh phúc.
● Học cách phát triển liên tục
Hôn nhân và sinh con không phải là mục đích cuối cùng quá trình học tập của con người. Những người cha và người mẹ nên tiếp tục cùng nhau học hỏi và cùng nhau tiến bộ. Khoảng cách giữa vợ và chồng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều cuộc hôn nhân không thể kéo dài.
Nếu muốn vợ chồng duy trì sự hấp dẫn và quyến rũ lẫn nhau, đồng thời giữ cho con cái trong môi trường gia đình tiến bộ và tích cực, cha mẹ cần học cách tiếp tục trưởng thành trong cuộc sống và công việc.
Các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội. Bên cạnh đó cần trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái.