BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3) cho hay, nhục đậu khấu hay còn gọi là nhục quả, ngọc quả, có tên khoa học là Myristica fragrans Hourt, thuộc họ Nhục đậu khấu Myristicaceae. Cây nhục đậu khấu được trồng ở phía Nam nước ta. Nhục đậu khấu là vị thuốc thơm, có tác dụng kích thích.
Nhục đậu khấu là một cây to, cao 8 – 10m. Toàn thân nhẵn. Lá mọc so le, xanh tươi quanh năm, lá dai, phiến lá hình mác rộng, dài 5 – 15cm, rộng 3 – 7cm, mép nguyên, cuống lá dài 7 – 12mm. Hoa khác gốc mọc thành xim ở kẽ lá, có dáng tán. Màu hoa vàng trắng. Quả hạch, hình cầu hay quả lê, màu vàng, đường kính 5 – 8cm, khi chín nở theo chiều dọc thành 2 mảnh, trong có một hạt có vỏ dày cũng bao bọc bởi một áo hạt bị rách màu hồng.
Cây trồng được 7 năm có thể bắt đầu thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch 2 lần, một lần vào các tháng 11 – 12 và một lần vào các tháng 4 – 6. Khi đã bắt đầu thu hoạch thì có thể thu hoạch luôn trong vòng 60 – 70 năm. Mức thu hoạch cao nhất vào năm thứ 25.
Các y thư cổ ghi chép nhục đậu khấu thường được dùng để làm hương liệu, gia vị. Đặc biệt, nhục đậu khấu được sử dụng để giúp tăng cường khả năng sinh lý và sự hưng phấn của phụ nữ nên nhục đậu khấu còn được gọi là “gia vị tình yêu”.
Theo bác sĩ Vũ, cháo nhục đậu khấu ăn rất tốt cho sinh lý của phụ nữ có thể dùng 0,25-0,5g bột nhục đậu khấu ninh nhừ với cháo, ăn trong ngày. Cháo nhục đậu khấu có mùi thơm đặc trưng và vị ngon hấp dẫn, có thể tăng ham muốn tình dục. Ngoài nấu cháo, mọi người cũng có thể dùng bột hạt nhục đậu khấu pha trà hoặc cho vào nước giải khát để uống.
Một số vùng lại dùng nhục đậu khấu như một vị thuốc để kích thích tiêu hóa trong các trường hợp ăn kém, sốt rét. Tinh dầu đậu khấu có thể dùng để xoa bóp bên ngoài giúp chữa tê thấp, đau người.
Một số bài thuốc từ nhục đậu khấu
– Chữa rối loạn tiêu hóa, kém ăn, nôn mửa, đau bụng, ăn khó tiêu: Nhục đậu khấu 0,5g, Nhục quế 0,5g, Đinh hương 0,2g tán bột mịn trộn với đường sữa 1g, chia làm 3 gói, uống 3 lần trong ngày.
– Chữa tiêu chảy kéo dài do viêm đại tràng mạn hay lao ruột có hội chứng thận dương hư: Dùng bài thuốc gồm Bổ cốt chi 10 – 12g, Ngô thù du 9g, Ngũ vị tử 10g, Đảng sâm 15g, Nhục đậu khấu 6g (cho vào sau), sắc uống.
Hoặc dùng bài thuốc tứ thần hoàng (Chứng trị chuẩn thẳng): Bổ cốt chi 10g, Nhục đậu khấu 5g (sao), Ngũ vị tử 5g, Ngô thù du 4g, Đại táo 3 quả, Gừng tươi 3 lát, sắc uống với nước muối nhạt trước lúc ngủ.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo hạt nhục đậu khấu thực chất là một chất gây ảo giác. Do vậy, dùng nhục đậu khấu làm thuốc cần phải tuân thủ theo đúng liều lượng và hướng dẫn của thầy thuốc. Dùng nhục đậu khấu lượng lớn 6g hạt/lần có thể gây co giật, dùng nhiều hơn có thể dẫn đến rối loạn tâm thần phân liệt nên mọi người cần hết sức cẩn thận khi dùng.
Nhục đậu khấu khi dùng với liều lượng cao có thể gây ra ngộ độc. Người trúng độc sẽ có hiện tượng mệt mỏi và ngủ gà. Một số nghiên cứu thử nghiệm đã nhận thấy dùng quá nhiều nhục đậu khấu có thể gây ra hiện tượng tê, mê sau khi sử dụng.