Ngộ độc thực phẩm là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn hay có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng khoảng 3 – 4 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm bị hỏng.
Theo bác sĩ Cao Xuân Phúc (Học viện Quân y 103), ngộ độc thực phẩm thường ít khi ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng, không được điều trị kịp thời nguy cơ tử vong vẫn có thể xảy ra.
Do đó, mọi người tuyệt đối không được chủ quan khi có những dấu hiệu ngộ độc. Ngoài ra, khi phát hiện người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, bạn cần phải thực hiện những cách sơ cứu sau đây trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm đúng và an toàn nhất ai cũng nên biết
Ngộ độc trước 6 giờ sau khi ăn
Nếu các triệu chứng ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn trước 6 tiếng, cần phải giúp người bệnh nôn hết thức ăn đã tiêu thụ. Các chuyên gia cho biết, bạn có thể giúp người bệnh nôn bằng cách cho uống một ly nước muối loãng (2 muỗng canh muối hòa tan trong ly nước ấm). Tiếp theo, dùng ngón tay đã rửa sạch đè vào cuống lưỡi của người bị ngộ độc để ép cơ thể nôn ra những thực phẩm vừa dùng.
Lưu ý: Khi tiến hành gây nôn, bạn cho người bệnh nằm nghiêng, kê cao đầu để chất nôn không bị trào ngược vào phổi, gây khó thở dẫn đến tử vong.
Khi người bệnh đã nôn được, bạn hãy pha một gói oresol với nước cho họ uống để chống mất nước đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể. Tỷ lệ pha như sau: 1 gói oresol hòa với 1 lít nước đun sôi để nguội. Cứ 10 – 15 phút, cho người bệnh uống một lần, mỗi lần chừng 70 – 100 ml, tương đương với 1 – 2 ngụm nước to.
Ngộ độc sau khi ăn 6 giờ trở lên
Trong trường hợp này, tốt nhất nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không thể đến ngay bệnh viện vì lý do nào đó, bạn hãy cho người bị ngộ độc dùng những thực phẩm giàu tinh bột, sữa, lòng trắng trứng gà… để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.
Tiếp tục theo dõi, nếu bệnh nhân có nhịp tim chậm hoặc quá nhanh hay xuất hiện triệu chứng khó thở, cần nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời trước khi quá muộn.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng
– Thịt cá tươi cần bỏ vào túi sạch cho vào ngăn đá tủ lạnh để bảo quản. Nếu lấy ra chế biến cần phải ăn hết không nên rã đông nhiều lần vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi.
– Chọn thực phẩm sạch, hạn chế dùng thức ăn đường phố, không rõ nguồn gốc.
– Thực hiện ăn chín, uống sôi.
– Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra, do đó mọi người cần ghi nhớ dấu hiệu và cách sơ cứu đơn giản ở trên để tránh những hậu quá đáng tiếc.