Nghe kết quả chẩn đoán từ bác sĩ, Phương Trang (nhân viên văn phòng, sống ở TP.HCM) gần như không tin vào mắt mình. Mới 24 tuổi, cô được bác sĩ thông báo trầm cảm.
Vừa ra trường không lâu, Trang dành trọn thời gian và cuộc sống cho công việc. Kết quả chẩn đoán bị trầm cảm như cú giáng mạnh, khiến cô không khỏi suy sụp.
Đi khám tâm thần ở tuổi 24
Sau lần suýt làm mất hợp đồng của công ty vì quên, Phương Trang bị khiển trách nghiêm túc kèm theo lời khuyên chân tình từ sếp: “Anh nghĩ em nên đi khám để kiểm tra vấn đề thần kinh”
Trang hay quên, không nhớ các đầu công việc được giao. Không ít lần, nữ nhân viên văn phòng có cảm giác như mất đi ký ức hoàn toàn trong thời gian ngắn, khiến cô rơi vào tình huống khó xử.
“Kể cả bạn bè, đôi khi tôi quên tên họ. Việc tôi liên tục kể lại những câu chuyện cũ hay hỏi lại các chi tiết bạn bè mới kể khiến mọi người khó chịu”, Trang kể.
Trang thèm ngủ nhiều hơn, mất tập trung dù trước đây có thể nghiền ngẫm cuốn sách hàng trăm trang trong nhiều giờ liền…
Dù đã thử rất nhiều cách như dùng giấy ghi chú, ghi chú trên điện thoại, sử dụng thêm thực phẩm chức năng bổ não, hạn chế xem các video ngắn trên mạng xã hội, ngủ sớm, đầu Trang vẫn “rối như canh hẹ”.
Thử đủ cách nhưng thất bại, Trang quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Tại đây, cô bất ngờ khi nghe chẩn đoán bị trầm cảm do căng thẳng kéo dài.
“Theo lời bác sĩ, hay quên, mất tập trung, thèm ngủ là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm. Sau khi hỏi han, bác sĩ kết luận tôi bị trầm cảm do căng thẳng công việc. Vì đang ở giai đoạn nhẹ, chỉ cần uống thuốc điều trị vài tháng là được”, Trang nói.
Trao đổi với Tri Thức – Znews, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết tình huống như Trang hiện nay không hiếm.
Tại khoa Nội thần kinh của đơn vị này cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều người bệnh trẻ tuổi đến khám, được chẩn đoán trầm cảm, stress, căng thẳng. Rất nhiều người trong số đó có các triệu chứng suy giảm trí nhớ, hay quên, mất tập trung, mất ngủ.
Càng stress, trí nhớ càng kém
Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, suy giảm trí nhớ ở người trẻ không giống bệnh Alzheimer thường gặp ở người trên 65 tuổi. Nếu Alzheimer phổ biến ở người cao tuổi, không thể chữa khỏi hoàn toàn thì tình trạng trí nhớ kém ở người trẻ có thể cải thiện được.
“Những người được chẩn đoán suy giảm trí nhớ vì các nguyên nhân như trầm cảm, stress, căng thẳng… có thể chữa khỏi bằng nếu được điều trị dứt điểm các nguyên nhân ban đầu”, bác sĩ Nghĩa cho hay.
Tại khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Đào Duy Khoa cho hay đơn vị này thường xuyên tiếp nhận tư vấn, điều trị cho những trường hợp từ 25 đến 35, hay gặp căng thẳng và chịu áp lực lớn từ công việc, gia đình và kinh tế.
Dựa vào nguyên nhân gây ra chứng hay quên, bác sĩ Khoa nhận định những trường hợp này có thể chia ra theo 2 nhóm chính:
Nhóm 1 là những người có bệnh lý, dẫn đến không có khả năng nhớ. Người thuộc nhóm này có thể mắc các bệnh lý nội khoa, nội tiết, suy thượng thận hoặc các bệnh lý tổn thương vùng não bộ, đột quỵ vùng thái dương, viêm não, sa sút trí tuệ.
Nhóm 2 là những người không có bệnh lý, cơ thể khỏe mạnh, tập trung tốt, nội khoa không có vấn đề gì nhưng thường xuyên gặp căng thẳng, áp lực, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ.
“Trong trường hợp này, trí nhớ là biểu hiện bên ngoài, cho thấy sức khỏe tinh thần của họ không ổn định”, bác sĩ Khoa nhấn mạnh và cho biết thêm số người thuộc nhóm này rất nhiều, đặc biệt người trẻ.
Theo bác sĩ, càng stress, mọi người càng dễ hay quên. Đối với nhóm này, để nhớ được chỉ có cách rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần tốt. Các phương pháp khác như bổ sung dinh dưỡng có thể hỗ trợ trí não, tuy nhiên không giúp cải thiện trí nhớ như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo thống kê hồi 2019 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, ước tính 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động được chẩn đoán rối loạn tâm thần.
Tại hội thảo về chăm sóc sức khỏe tâm thần được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị doanh nghiệp Vương quốc Bỉ – Luxembourg ở Việt Nam, các diễn giả cho biết có khoảng 42% người lao động thường xuyên gặp căng thẳng. Riêng công nhân, có 22% người cho biết cuộc sống cá nhân và gia đình là nguyên nhân chính gây căng thẳng tại nơi làm việc.
Theo khảo sát năm 2023 của Cigna International Health đối với gần 12.000 người lao động trên toàn thế giới, 91% người 18-24 tuổi báo cáo rằng họ bị căng thẳng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) đang là nhóm nhân khẩu học bị căng thẳng nhất tại nơi làm việc. Dữ liệu tương tự cho thấy căng thẳng không thể kiểm soát ảnh hưởng đến gần 1/4 số người được hỏi thuộc Gen Z (23%). Hầu hết trong số họ cũng đang phải đối mặt với các triệu chứng kiệt sức.