Ngày 25-9, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, thông tin nơi đây vừa can thiệp cho 2 bệnh nhân tắc động mạch chủ nặng bằng kỹ thuật mới, ít xâm lấn là phẫu thuật nội mạch.
Bệnh nhân thứ nhất là NVT (60 tuổi) nhập viện vì đau vùng đùi, cẳng bàn chân 2 bên đã 2 năm nay. Bệnh nhân bị đau và tê chân tăng dần, cả khi nghỉ ngơi.
Sau khi thăm khám, chụp CT-scan mạch máu chi dưới, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp tắc động mạch chủ bụng và chậu 2 bên.
Bệnh nhân được lên lịch chụp và can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ.
Sau can thiệp 6 giờ, bệnh nhân được sinh hoạt bình thường, bớt đau chân.
Bệnh nhân thứ hai là NVB (70 tuổi) nhập viện vì đau và tê vùng mông, đùi 2 bên nhiều tháng nay. Cứ đi khoảng 50 mét là đau chân tăng dần.
Ông T đã đi khám, uống thuốc nhưng không bớt, ngày càng tê nhiều hơn. Ông tiếp tục đi khám và được phát hiện bệnh mạch máu.
Kết quả chụp CT-scan cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch chủ bụng đoạn dưới động mạch thận, kéo dài đến động mạch chậu ngoài 2 bên.
Bệnh nhân được lên lịch chụp và can thiệp nội mạch bằng phương pháp tái tạo ngã ba chủ chậu bằng stent phủ. Sau can thiệp 6 giờ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, bớt đau chân.
TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng khoa Ngoại tim mạch – Lồng ngực (Bệnh viện Thống Nhất), cho biết tắc động mạch chủ là bệnh lý nặng, nguy hiểm.
“Tắc động mạch chủ dẫn đến thiếu máu. Ban đầu triệu chứng có thể là đau, để lâu sẽ nhiễm độc, nhiễm trùng, hoại tử chi dẫn đến phải cắt chân, tháo khớp háng, thậm chí tử vong do suy cơ quan” – bác sĩ Tân nói.
Triệu chứng của bệnh lý mạch máu là đau cơ xương khớp, dễ nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, có khi nhầm với các bệnh nội tiết, tiểu đường.
Bệnh nhân đến khám do bị tắc mạch thường biểu hiện bằng đau, ban đầu là đau và tê chân.
Có trường hợp bị tắc mạch dẫn đến nhiễm trùng ngón chân nhưng vẫn không phát hiện, phải vào khoa chấn thương chỉnh hình để cắt ngón chân nhưng chân vẫn không lành vì bị tắc mạch máu, máu không xuống được.
“Bệnh lý tắc động mạch chủ thường gặp ở người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nhiều người trẻ cũng mắc do stres nhiều, có thể dẫn đến xơ vữa mạch máu, tắc động mạch máu.
Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân nên đi siêu âm để phát hiện sớm các biểu hiện xơ vữa, nghẹt tắc” – bác sĩ Tân nói.
Để phòng ngừa bệnh lý tắc động mạch chủ, bác sĩ khuyến cáo cần kiểm soát mỡ trong máu, đường huyết: chế độ ăn uống nhiều rau củ, hạn chế chất béo, nhiều đường, tập thể dục thể thao. Đặc biệt, cần tránh hút thuốc lá.
Phẫu thuật không hề có đường mổ
Trước đây để điều trị bệnh lý tắc động mạch chủ, bác sĩ sẽ gây mê, mổ đường bụng.
Hiện y khoa đã có kỹ thuật ít xâm lấn đó là phẫu thuật nội mạch (đâm kim vào mạch để thực hiện phẫu thuật). Phương pháp mổ nội soi động mạch rất nhẹ nhàng, chỉ chọc kim qua động mạch, sau đó có dụng cụ khâu động mạch qua kim. Tỉ lệ thành công rất cao, lên đến 90-95%.
Việt Nam đã áp dụng phương pháp này khoảng 10 năm nay và Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện rất nhiều ca thành công. Ca mổ hoàn toàn không có một đường mổ nào, giúp bệnh nhân mau hồi phục sau mổ.