Khoảng 1 năm nay chồng tôi mắc chứng cứ ngủ là ngáy to, kiểu “ngáy như kéo gỗ” khiến tôi mất ngủ. Dù đã ngủ riêng nhưng tôi ở phòng trong vẫn nghe rõ tiếng ngáy của chồng từ phòng ngoài, lâu lâu còn khọt khẹt như mắc gì ở cổ… Xin hỏi ngủ ngáy to như vậy có phải bệnh không, nếu khám thì khám ở đâu? (Quỳnh, TP.HCM).
Trả lời
Rất chia sẻ với bạn, người ngủ ngáy to thường không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh, cũng có người ngủ ngáy rất to nhưng khi được nhắc thường nổi cáu vì cho rằng chính mình mới là người bị làm phiền, bị quấy nhiễu giấc ngủ…
Đây là hiện tượng khi ngủ có tiếng kêu, thậm chí kêu to, do đường dẫn khí từ ngoài qua hệ thống dẫn khí tới phổi bị hẹp lại. Mức độ hẹp khác nhau ảnh hưởng tới mức độ tiếng ngáy và sự xuất hiện của cơn ngừng thở.
Ngủ ngáy to do nhiều nguyên nhân
Tắc nghẽn đường hô hấp mũi, giảm trương lực cơ trong cổ họng và lưỡi, say xỉn hoặc dùng thuốc ngủ, hút thuốc lá hoặc ngủ quá sâu. Thừa cân béo phì khiến mỡ ở vùng hầu họng nhiều, làm hẹp khoảng không giữa hầu họng và thanh quản tạo tiếng ngáy. Viêm amidan và vòm họng lớn cũng dễ tạo tiếng ngáy to khi ngủ…
Ngoài ra, vòm miệng và/hoặc lưỡi gà dài (mô treo ở phía sau miệng) cũng thu hẹp khoảng trống từ mũi đến cổ họng và va chạm với nhau khiến đường thở tắc và gây ra tiếng ngáy. Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến giãn cổ họng cũng gây ngáy.
Chưa hết, nếu nằm ngủ ngửa, ngủ gối cao gây gập cổ ngáy làm hẹp đường thở cũng gây ngủ ngáy to. Cạnh đó, ngủ ngáy to cũng có thể liên quan với tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp nghiêm trọng này, các mô họng ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, gây ngáy…
Các cấp độ ngủ ngáy
– Cấp độ 1 ngáy ít, tiếng ngáy không to, khi nằm nghiêng sẽ ngừng ngáy.
– Cấp độ 2, ngáy vừa phải, khi nằm nghiêng cũng hết ngáy.
– Cấp độ 3 ngáy rất to dù nằm ở tư thế nào kèm triệu chứng nghẹt thở nhất thời. Mức độ này có thể nguy hiểm tới sức khỏe.
Nếu bạn đã làm nhiều cách mà ngủ ngáy to không giảm, nên đưa người nhà khám chuyên khoa tai mũi họng để được xác định nguyên nhân, xử trí phù hợp vì ngủ ngáy có thể tiềm ẩn về phổi, tim mạch, hô hấp…