Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025
spot_img
HomeKhỏe ĐẹpCao điểm sốt xuất huyết đang vào mùa ở Hà Nội, cần...

Cao điểm sốt xuất huyết đang vào mùa ở Hà Nội, cần cảnh giác với những dấu hiệu ban đầu để không gặp biến chứng nặng


Chia sẻ trên Gia đình và Xã hội: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thông tin, trong tuần qua (từ ngày 13/9 đến ngày 19/9), toàn thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, 0 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng (46 ca); Thạch Thất (29); Hà Đông (22); Cầu Giấy (20); Chương Mỹ (17); Thanh Oai và Đống Đa mỗi nơi 14 ca; Thanh Xuân (13); Bắc Từ Liêm (11); Phúc Thọ và Hoàng Mai mỗi nơi 10 ca.



Hiện tại dịch bệnh đã bắt đầu giai đoạn cao điểm ở Hà Nội (tháng 9 đến tháng 11). Với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: Internet

Các giai đoạn phát bệnh

Giai đoạn sốt

Sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Người bệnh thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện: Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan; nôn ói.

Xem thêm  Loại thuốc an toàn để chữa bệnh xương khớp

Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ). Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.

Giai đoạn hồi phục

Thường từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10: Sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại.

Người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc thế nào?

Đối với người lớn

Đối với trường hợp người bệnh chỉ bị nhẹ, người bệnh có thể được nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà kết hợp uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao.

Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, cần làm các xét nghiệm cần thiết khi có yêu cầu của bác sĩ.

Xem thêm  Mặc quần jeans tới công sở, chị em nên kết hợp với 4 mẫu áo để vẻ ngoài chuẩn thanh lịch

Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được dùng aspirin để điều trị sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do khi bị sốt xuất huyết, có hiện tượng chảy máu, Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.

Đối với người bệnh là trẻ em

Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều sau 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.

Cần cho trẻ uống nhiều nước: Nước Oresol (pha theo đúng liều lượng), nước lọc, nước cam, nước dừa…; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.

Ảnh minh họa: Internet

Tuyệt đối, không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu; tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

Đặc biệt, khi trẻ bị sốt xuất huyết, nếu thấy trẻ có dấu hiệu vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan; trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ; xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ); tiểu ít, đi ngoài phân đen… cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra.

Xem thêm  Không cần xịt nước hoa vẫn tỏa hương thơm ngát: 5 loại lá dễ trồng trong vườn nhà, công dụng 'xịn' phải biết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Do đó, dù là trường hợp nặng hay nhẹ người bệnh cũng cần thăm khám bác sĩ và tuân thủ theo mọi quy định của bác sĩ để có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả và kịp thời. Tuyệt đối không tự ý chữa bệnh tại nhà, tránh những trường hợp xảy ra biến chứng nặng.



Theo Gia đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments