Bé Minh Khôi (2 tuổi, ở Vĩnh Phúc) nhìn bề ngoài giống như một đứa trẻ suy dinh dưỡng, với cân nặng vừa tròn 11kg. Không chỉ vậy, da bé còn xanh xao và khắp người có nhiều vết trầy xước vì những nốt ngứa gãi liên tục. Bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1964, bà bé Khôi) chia sẻ, gia đình chăm bẵm cháu rất cẩn thận từ việc ăn uống, đến từng giấc ngủ hàng ngày. “Mẹ cháu mua đủ các loại sữa nội, sữa ngoại cho con uống. Còn tôi đã nghỉ hưu nên có thời gian chăm cháu nhiều hơn, cho ăn toàn đồ tươi ngon mà cháu mãi chẳng tăng cân”, bà Thuận buồn rầu nói.
Dù Khôi xanh xao, không tăng cân nhưng bà Thuận đánh giá cháu mình ăn được, chứ không đến nỗi nào. Mỗi bữa bé Khôi vẫn hết bay một bát cháo, ngày 3 hộp sữa 110ml và 2 cốc sữa bột pha. “Sức ăn thế so với thằng cu bằng tuổi hàng xóm thì cháu tôi hơn. Vậy mà không hiểu sao lại thua cân nặng, mà da cứ xanh như tàu lá”, bà Thuận cho biết.
Bồi bổ chẳng có kết quả, gia đình đưa đi khám khắp ở tỉnh và cả Hà Nội, khám từ dinh dưỡng đến tiêu hóa nhưng kết quả chẳng thay đổi gì. Mới đây, có bác sĩ “mách” rằng, có thể do bệnh về máu, thiếu máu nên cháu mới như vậy. Nghe thấy vậy, cả gia đình bé Khôi đều lo lắng vì bệnh về máu là “lành ít dữ nhiều”.
Rất nhiều trẻ nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Ảnh: Lê Phương.
Khi đưa bé Khôi tới Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khám, cả gia đình còn động viên nhau chuẩn bị sẵn tinh thần nếu tình huống xấu xảy ra. May mắn thay cháu có thiếu máu nhưng không đáng kể, còn lại không có bệnh lý về máu nào. Nghi ngờ trẻ nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ chuyển bé Khôi sang BV Đặng Văn Ngữ kiểm tra chuyên sâu. Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng cho thấy, bé Khôi nhiễm giun đũa chó mèo.
“Với kết quả này, gia đình tôi mừng vì cháu không mắc bệnh máu nan y, nhưng vẫn lo vì cháu được chỉ định nhập viện ngay”, bà Thuận nói và cho biết thêm rằng, khi bác sĩ nói nguyên nhân, cả nhà chỉ biết nhìn nhau vì “thủ phạm” ở ngay gần mình, được cả nhà quý như con.
Theo đó, gia đình bà Thuận có nuôi một chú chó cảnh đắt tiền, tên Ki và sinh hoạt như một thành viên trong gia đình. Thậm chí, tuổi đời chú chó còn nhiều hơn cả bé Khôi. Hàng ngày, bé Khôi thường xuyên ôm ấp, hôn hít chú chó Ki. “Không ngờ, “bé Ki” được chăm sóc sạch sẽ, tiêm đầy đủ mà vẫn lây bệnh, khiến gia đình tôi được một phen hú vía”, bà nội bé Khôi cho hay.
Nhiều gia đình nuôi thú cưng, ôm hôn hoặc ngủ cùng sẽ có nguy cơ bị lây bệnh giun đũa chó mèo. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, hiện số bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo chiếm tỉ lệ lớn trong số các trường hợp nhập viện, gồm cả các bé rất nhỏ mà nguyên nhân một phần do trào lưu nuôi thú cưng nở rộ gần đây. Đặc biệt, khi nuôi thú cưng, các gia đình thường cho sinh hoạt trong nhà cùng mình, khiến nhiều em bé bị lây bệnh. Ở người trưởng thành, ngoài nhiễm trực tiếp từ thú cưng, việc ăn rau sống có chứa ấu trùng giun đũa chó mèo cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Theo bác sĩ Phương, triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo ở trẻ em có một số khác biệt so với người lớn. Ngoài các triệu chứng như ngứa, mệt mỏi, đau bụng, ăn uống kém, trẻ có thể xuất hiện tình trạng thâm tím, xuất huyết dưới da. Vì vậy trẻ nhiễm giun đũa chó mèo thường bị nhầm là có bệnh về máu.
Hiện các loại thuốc điều trị giun thông thường không có tác dụng trị giun đũa chó mèo mà cần dùng thuốc đặc hiệu. Vì thế, việc tẩy giun thông thường là không có tác dụng để xổ ấu trùng giun đũa chó mèo. Để phòng bệnh, các gia đình nên tách nuôi thú cưng với người, tẩy giun cho chó mèo, tiêm phòng đầy đủ, tránh ôm, hôn hay ngủ chung với thú cưng.