Chu kỳ kinh nguyệt bình thường của chị em dao động trong khoảng 28-35 ngày, ngày thấy kinh 3-5 ngày. Tuy nhiên, nhiều chị em chu kỳ bị rối loạn, kinh ra hết rồi lại có, một tháng có hai ba lần. Đây là tình trạng rong kinh.
Nguyên nhân theo y học cổ truyền phần nhiều do nội thương ăn uống thất thường, lo nghĩ quá độ, ngoại thương do nhiễm phong hàn, thấp hoặc sang thương, viêm nhiễm… Sau đây là một số vị thuốc Nam đơn giản dân gian thường dùng phòng trị rong kinh rất hiệu quả:
Đối với người ăn uống kém mà hay bị rong kinh do tỳ khí hư
Phép trị: bổ khí kiện tỳ cầm huyết.
Bài 1: Củ sen 100g, hạt sen 30g, kinh giới 40g tươi sắc uống 3 lần ngày một thang.
Bài 2: Gương sen, nghệ khô liều bằng nhau sao vàng tán nhỏ cho vào lọ uống ngày 3 lần mỗi lần 12g.
Bài 3: Ngải cứu 100g, gan heo 40g, nấu ăn cả cái lẫn nước.
Đối với người nóng nhiệt mặt đỏ lưỡi đỏ rong kinh do huyết nhiệt
Phép trị: thanh nhiệt cầm huyết.
Bài 1: cỏ mực, hoa hòe, lá sen mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: đậu đen 50g, ngó sen 40g, nấm mèo 20g. Nấu ăn cả cái lẫn nước.
Bài 3: tâm sen 12g, rễ cỏ tranh 20g, thảo quyết minh 12g, hoa hòe 12g. Sắc uống.
Bài 4: rau dền cơm 100g, trắc bá diệp 50g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Bồ hoàng (hoa cỏ nến) 20g, liên phòng 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 6: Tâm sen 10g, lá tre 20g, đậu đỏ 40g, trắc bá diệp 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đối với người bị sang thương, viêm nhiễm rong kinh do huyết ứ
Phép trị: hoạt huyết, hành ứ, chỉ huyết.
Bài 1: Kinh giới 50g, rau má 40g, mã đề 20g tươi giã tươi vắt nước uống hoặc sắc uống.
Bài 2: Lá huyết dụ, rễ cỏ tranh, nghệ mỗi vị 20g, xơ mướp 20g sao vàng. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3: Bách thảo sương, (bồ hóng nấu bằng rơm rạ) 15g, bồ hoàng (hoa cỏ nến) 20g. Sắc uống ngày vài lần.
Bài 4: Lá sen sao vàng 20g, nga truật 12g, cỏ cú 16g, hoàng bá nam 12g sao đen. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 5: Ích mẫu, uất kim, hương phụ, ngải cứu mỗi vị 20g sắc uống ngày một thang.
Bài 6: Tam thất, hương phụ, gừng sao đen liều bằng nhau tán nhỏ, dùng mỗi lần 12g, ngày 3 lần uống với nước ấm.