Chia sẻ về nhận định này, tại tọa đàm Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay được tổ chức hôm 15/10 ở Hà Nội, PGS.TS Lê Văn Canh, nguyên giảng viên ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng điều này vừa đúng vừa sai.
“Nếu chúng ta vẫn dạy học như lâu nay, chúng ta sẽ thất nghiệp. Thầy giáo không thể chỉ là người truyền thụ kiến thức nữa vì cái đó, AI làm được và không thầy nào nhiều kiến thức hơn AI. Thế thầy dạy cái gì?”, ông đặt vấn đề.
Giáo viên hơn AI ở điểm nào?
Nói rõ hơn về tác động của trí tuệ nhân tạo trong việc học tiếng Anh nói riêng và giáo dục nói chung, PGS.TS Lê Văn Canh khẳng định AI thực sự là cuộc cách mạng. Nó thay đổi toàn diện, triệt để, từ khái niệm dạy học, lớp học đến thầy cô, người học, tài liệu học tập…
Ông cho rằng lớp học không còn là nơi duy nhất để truyền thụ, lĩnh hội kiến thức. Thậm chí, chỉ với điện thoại di động, người học có thể học rất nhiều thứ.
Như trong việc học tiếng Anh, ông đánh giá người máy ở các ứng dụng còn phát âm tốt hơn giáo viên. Các app cũng có thể cá nhân hóa theo người học để đưa ra lộ trình phù hợp.
“Nhưng cái người máy thiếu là xúc cảm. Vấn đề thứ hai là người máy chưa hiểu được sự tinh tế trong sáng tạo ngôn ngữ”, TS Canh nói.
Từ đó, ông đặt vấn đề vai trò của giáo viên phải thay đổi. Thầy cô cần xác định AI làm được gì, không làm được và bản thân mình làm được gì.
Ông đánh giá AI tạo ra nhiều cơ hội tốt cho người học nhưng vấn đề quan trọng vẫn là cần nắm bắt cơ hội, sử dụng công nghệ sao cho hiệu quả.
Do đó, giáo viên mới cần thiết để tạo động lực và hướng dẫn người học phương pháp học đúng đắn, phù hợp, biết phân tích thông tin vì không phải mọi điều người máy đưa ra đều đúng.
Ông cũng cảnh báo không nên lạm dụng công nghệ vì lúc đó, đầu óc ít hoạt động, dẫn đến thui chột tính sáng tạo, tư duy phê phán, tư duy logic và sự hiểu biết văn hóa.
Theo TS Lê Văn Canh, thiếu những thứ này, chúng ta không thể phát triển và hội nhập được.
Ông cho rằng không nên coi AI là công cụ. Thay vào đó, nó là một chủ thể mà chúng ta sống đồng hành với nó. Trong tương lai không xa, trí tuệ nhân tạo sẽ là thành viên trong cộng đồng. Bài toán đặt ra là thầy giáo thật cộng tác như thế nào với thầy giáo người máy.
“Trong giáo dục, không ai có thể thay thế thầy cô nhưng thầy cô phải thay đổi chính mình vì vai trò của giáo viên đã khác”, PGS.TS Lê Văn Canh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch Tập đoàn SunUni Global, kiêm CEO của SunUni Academy, đánh giá cao vai trò của con người trong việc dạy học tiếng Anh giữa thời kỳ AI bùng nổ.
Ông cho biết hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều trong việc vận hành trung tâm cũng như đào tạo người học. Tuy nhiên, nó không thể thay thế con người – yếu tố quan trọng nhất.
Do đó, 4 bộ phận nhất thiết cần đến con người là bộ phận hỗ trợ nhằm theo sát quá trình học của học viên, giáo viên hỗ trợ kèm cặp thêm ngoài giờ, giảng viên và chuyên viên tư vấn.
“Tôi cũng không muốn thay thế 4 bộ phận này bằng công nghệ vì chúng ta cần có sự tương tác để học viên yêu thích, đam mê học tiếng Anh”, ông Nam nói.
Cái phụ huynh cần là sự kết nối
Trong khi đó, từ góc nhìn của một phụ huynh, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú đặt câu hỏi với sự hỗ trợ, tiến bộ từ AI, liệu chúng ta có còn cần đến lớp, đến các trung tâm để học tiếng Anh.
Ông đặt ra vấn đề Google đã có công cụ dịch trực tiếp từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ông chỉ cần nói tiếng Việt và với sự hỗ trợ từ AI là đã có thể giao tiếp với mọi người trên thế giới.
Trong khi đó, để làm hài lòng phụ huynh, giúp trẻ đạt điểm cao trên lớp, nhiều trung tâm mở thêm lớp ngữ pháp, biến đây thành trung tâm gia sư, học tiếng Anh không còn niềm vui khi tiếp cận ngôn ngữ mới.
Bên cạnh đó, các trung tâm cũng tích cực ứng dụng công nghệ vào dạy học. Nhưng điều phụ huynh cần là gì?
“Các trung tâm muốn tồn tại thì đừng biến mình thành ứng dụng mà nên trở thành tổ chức giáo dục mang tính kết nối nhiều hơn giữa cha mẹ và con cái. Phụ huynh sẽ chi tiền để con học tiếng Anh tốt hơn, đồng thời kết nối để tạo nên hành trình, khoảnh khắc của cha mẹ – con cái”, ông Tú nhắn nhủ.
Ông chia sẻ thêm phụ huynh thời nay rất bận. Bản thân ông thậm chí không có thời gian để đọc các thông báo, nhận xét mà giáo viên ở trường hay các ứng dụng học tiếng Anh của con ông gửi về.
Do đó, ông mong muốn các trung tâm thay vì chỉ nghĩ đến ứng dụng AI như thế nào, hãy “người” hơn nữa, tức tập trung vào xúc cảm – thứ AI khó, hoặc ít nhất trước mắt, chưa làm được.
Ông kỳ vọng bên cạnh xây dựng giáo trình, ứng dụng AI, các trung tâm sẽ thành nơi kết nối để cha mẹ, con cái thân thiết với nhau hơn, có nhiều khoảnh khắc để gắn bó với nhau hơn.
“Con đến để học tiếng Anh còn bố mẹ học cách để hiểu con thông qua các talkshow, podcast kết nối. Đó là tính nhân văn mà nếu chỉ dùng AI, chúng ta không mà được”, ông Tú chia sẻ.