Người phụ nữ 52 tuổi (sống ở huyện Bình Chánh) được đưa đến cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng thở nhanh, huyết áp 150/90 mmHg, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.
Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do não mô cầu thể tối cấp. Người bệnh được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, bà không qua khỏi sau 6 giờ nhập viện.
“Bệnh tử 24 giờ”
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Người bệnh thường xuất hiện một số triệu chứng như sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, có thể có mụn nước.
Dấu hiệu rõ ràng nhất để xác định bệnh viêm màng não do não mô cầu chính là các nốt ban phân bố rải rác khắp cơ thể, có dạng dát sẩn màu hồng kích thước 2-10 mm, chấm xuất huyết. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê.
Vi khuẩn gây bệnh được lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp. Các hạt nước bọt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường 3- 4 ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ chỉ ra trẻ em dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên (14-20 tuổi) là nhóm dễ mắc bệnh do vi khuẩn N. meningitidis (vi khuẩn não mô cầu) xâm lấn cao nhất, với khoảng 1,2 triệu ca xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm.
Đáng chú ý, thanh thiếu niên là nhóm người lành mang trùng (người mang virus không hoạt động), chiếm tỷ lệ 23,7%.
Tại Việt Nam, bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện tảng phát trong suốt năm. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người trẻ. Đây cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn não mô cầu nhóm B là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua. Loại vi khuẩn này gây ra các bệnh cảnh như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, đoạn chi, thiểu năng trí tuệ…
Viêm màng não do não mô cầu còn được gọi là “bệnh tử 24 giờ” khi có khả năng gây đe dọa mạng sống trong chưa đầy một ngày kể từ khi có triệu chứng ban đầu.
Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ năm 1991 đến năm 2000, tỷ lệ không qua khỏi do mắc bệnh này ở Việt Nam là 2,3/100.000 dân. Căn bệnh này xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ thiệt mạng cao nhất (0,03/100.000 dân).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh ngay cả khi được chẩn đoán và điều trị đầy đủ, bệnh do nhiễm não mô cầu vẫn có tỷ lệ nguy hiểm tính mạng trung bình khoảng 10%, thậm chí là 50%. Thời gian này thường xảy ra trong vòng 24-48 giờ, cao hơn rất nhiều so với nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Trong trường hợp sống sót sau bệnh do não mô cầu thì 1 người phải chịu nhiều di chứng như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ…
Hoàn toàn có thể dự phòng bằng vaccine
Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất hiện tản phát trong suốt năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân, nhất là ở các xã vùng núi biên giới.
Căn bệnh gây nguy hiểm tính mạng cao nên được xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu. Tuy nhiên, người dân có thể dự phòng được căn bệnh này thông qua việc tiêm vaccine.
Hiện nay, Việt Nam đã có vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Đây là vaccine an toàn và miễn dịch cao.
Bác sĩ chuyên khoa II Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, nhắc lại mỗi 3 năm/lần và dự phòng bằng thuốc.
Bên cạnh tiêm vaccine, Cục Y tế dự phòng cũng gợi ý một số nguyên tắc phòng bệnh sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ và đảm bảo có đủ ánh sáng.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
- Thường xuyên luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
- Người sinh sống tại các ở dịch cần hạn chế việc tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh.