Những lời la hét, chửi mắng và đe dọa bằng có thể gây tổn thương cho trẻ ngang với hành vi lạm dụng tình dục – Đây là kết quả nghiên cứu được công bố đầu tháng 10 trên tạp chí Child Abuse and Neglect của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Wingate (Mỹ) và Khoa ngôn ngữ và Tâm lý thuộc ĐH London (Anh).
Ngược đãi trẻ em được chia làm 4 loại: Lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm và lạm dụng lời nói. Không giống như những hình thức khác, lạm dụng lời nói dễ bị bỏ qua nên được các chuyên gia đặc biệt lưu ý.
Giáo sư Shanta Dube – Giám đốc chương trình y tế cộng đồng, Đại học Wingate cho rằng bạo lực lời nói sẽ để lại hậu quả tiêu cực suốt đời. Hành động la hét, mắng nhiếc của bố mẹ, giáo viên, huấn luyện viên xảy ra liên tục trong thời ấu thơ sẽ khiến trẻ có biểu hiện dễ tức giận, trầm cảm và sa sút tinh thần.
Ảnh minh họa |
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến chúng có thành tích học tập kém, có vấn đề về hành vi và tính cách xấu. Cha mẹ lạm dụng việc la mắng con cái có thể thay đổi sự phát triển não bộ của trẻ.
Hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói
Tâm lý học tin rằng ý thức của trẻ em có hai nguồn: Một là tự nhận thức, tức là tự biết mình; Thứ hai là từ người khác, gọi là ngoại thức. Đối với những đứa trẻ nhận thức chưa hoàn thiện, kinh nghiệm sống ít ỏi, nội lực chưa đủ mạnh thì góc nhìn về bản thân của chúng thường phụ thuộc vào sự đánh giá của người ngoài. Và người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất, đánh giá nhiều nhất chính là bố mẹ.
Nếu cha mẹ cứ nhấn mạnh những khuyết điểm, lỗi lầm của con cái và so sánh chúng với những đứa trẻ khác, thì trẻ sẽ nghĩ rằng mình là một người tồi tệ, không đáng để người khác yêu thương. Theo thời gian, trẻ sẽ trở thành những gì cha mẹ nói.
Theo một khảo sát, hơn 40% trẻ vị thành niên phạm tội từng bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói.
Sáu phạm nhân vị thành niên trong trại tạm giam kể lại câu chuyện của mình: “Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 12 tuổi, mẹ tôi mắng tôi mỗi ngày và thường bảo tôi chết đi”; “Mẹ bảo tôi vô dụng, là đồ phế vật”; “Tôi chưa bao giờ được khen. Mẹ luôn so sánh tôi với những con vật bẩn thỉu”…
Những câu nói khiến họ đau lòng nhất chính là: Óc lợn, đồ rác rưởi, chỉ biết ăn, sao không chết đi! Những đứa trẻ thường xuyên bị sỉ nhục, chối bỏ, châm biếm, mỉa mai, miệt thị đã có một lỗ hổng lớn trong tâm hồn, khiến chúng trút bỏ những tổn thương và tủi nhục một cách cực đoan vào người khác.
Tổ chức Words Matter đề nghị người lớn tránh la hét, lăng mạ, hạ thấp tự trọng của trẻ trong các cuộc trò chuyện. Họ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói và dành thời gian chữa lành cảm xúc trẻ nếu lỡ có lời gây tổn thương.
Tiến sĩ Joseph Shrand, giảng viên môn Tâm thần học tại Trường Y Harvard cho biết: “Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ”.
Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:
– Hít thở sâu.
– Đếm ngược.
– Chạy tại chỗ.
– Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.
– Đặt tay dưới vòi nước chảy.
– Cố gắng cười.
Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.