Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại ăn củ trong mùa đông? Theo giải thích của BS Trương Cánh Chi, Phó trưởng khoa Trung y, Bệnh viện số 2, trường Đại học y khoa Quảng Châu (TQ), trong Đông y, cách dưỡng sinh tốt nhất là thuận theo âm dương và thời tiết 4 mùa.
Con người có đặc điểm giống với tự nhiên, đó là mùa xuân sinh nở, mùa hè phát triển, mùa thu thu hoạch, và mùa đông cất giữ hoặc là ngủ, trốn.
Khái niệm “đông tàng” giống như việc loài thú tránh đông hay ngủ đông vậy, đây là thời điểm để tích tụ năng lượng, trong khi rễ hoặc củ của cây được xem là bộ phận tích trữ nhiều năng lượng nhất trên thân cây.
Mùa đông cũng là mùa thu hoạch các loại củ và được tiêu thụ rộng rãi ngoài thị trường, như cà rốt, củ cải, khoai lang, khoai tây, khoai mỡ…
Sau đây là những loại củ được Đông y gọi là “tiên dược”, là “nhân sâm trắng mùa đông” có giá trị nhất đối với sức khỏe, bạn nên ưu tiên ăn chúng vào mùa đông.
1. Củ cải
Theo cuốn sách Đông y nổi tiếng “Bản thảo cương mục” của Trung Quốc, củ cải có tác dụng loại bỏ độc tố, thanh nhiệt, tiêu đờm, lý khí, loại bỏ chất cặn bã trong cơ thể, đồng thời có thể làm thuận khí, kiện dạ dày, có ích cho những người muốn thanh nhiệt tiêu đờm do cơ thể bị nóng.
Trong dân gian cũng lưu truyền câu nói, mùa đông ăn củ cải, mùa hẹ ăn gừng, là đơn thuốc bác sĩ khai cho bạn phòng ngừa mệt mỏi.
Thành phần dinh dưỡng trong củ cải rất phong phú, giàu carbohydrate và vitamin, trong đó vitamin C cao gấp 8-10 lần quả lê. Củ cải cũng có chứa chất khoáng và protein. Củ cải không chứa axit oxalic, không chỉ không kết hợp với canxi trong thực phẩm mà còn có lợi hơn đối với việc hấp thu canxi.
Củ cái chứa vitamin B, kali, magiê và các khoáng chất khác có thể thúc đẩy sự vận động của dạ dày và đường ruột, góp phần vào việc giúp hệ tiêu hóa đào thải chất thải. Tuy nhiên, thói quen gọt vỏ củ cải và cà rốt sẽ làm thất thoát lượng canxi ở phần vỏ. Nghiên cứu cho thấy có tới 98% canxi nằm ở vỏ, vì vậy khi ăn nên ăn cả vỏ.
Mặc dù củ cải rất tốt, nhưng khi ăn cũng cần lưu ý một số kiêng kỵ. Bác sĩ Trương Cánh Chi cho rằng, do củ cải vị cay ngọt, tính hàn, nên những người tì vị hư yếu, khó tiêu hóa hoặc cơ thể suy nhược thì không nên ăn nhiều.
Củ cải làm tán khí, nên những người đang dùng các món như nhân sâm, sinh thục địa, hà thủ ô thì không nên sử dụng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của các loại thuốc đông y này.
Ngoài ra, ăn củ cải sống cũng sẽ làm sinh khí nhiều, đối với người có bệnh viêm loét thì không nên ăn.
2. Khoai mỡ/củ từ
Trong sách “Bản thảo cương mục” viết, khoai mỡ tốt cho thận khí, kiện tì vị, giảm tả, tiêu đờm, nhuận da tóc. Khoai mỡ có tác dụng bổ phổi, lá lách, thận, không nóng không khô, tính bình, thích hợp đối với mọi đối tượng sử dụng.
Khoai mỡ chứa hàm lượng cao amylase, polyphenol oxidase và các chất khác, sẽ giúp tăng cường tiêu hóa và hấp thu. Ngoài ra, loại củ này còn chứa chất nhầy và protein, có tác dụng giảm lượng đường trong máu, thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường.
Bác sĩ Chi nhắc nhở, trong khoai mỡ chứa chất Glucomannan, chất hemicellulose tan trong nước, có thể hút nước và giãn nở tới 80-100 lần, vì thế sau khi ăn vào dạ dày sẽ giãn nở làm diện tích to lên, dễ rơi vào cảm giác bị no bụng.
Vì vậy, khi ăn khoai tốt nhất nên thay thế cơm, ví dụ ăn khoai xong thì bớt tương đương số lượng cơm sẽ ăn, để giảm lượng thực phẩm dung nạp vào dạ dày, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường, tránh gây ra vấn đề quá dư thừa năng lượng.
3. Củ sen
Trong “Bản thảo cương mục” gọi củ sen là “linh cân” (củ, rễ linh nghiệm, kỳ diệu). Khi ăn củ sen tươi, không chỉ có tác dụng khai thông dạ dày, khẩu vị tươi mới, mà còn có thể thanh nhiệt nhuận nội tạng, chống hanh khô, háo.
Củ sen và ngó sen nói chung là thực phẩm giàu vitamin B, không chỉ giúp giảm mệt mỏi, tăng cường tiêu hóa và trao đổi chất, mà hơn nữa, do nó có chứa vitamin C, canxi, sắt và muối vô cơ khác, nên luôn mang lại tác dụng chống oxy hóa polyphenol.
Từ quan điểm của y học truyền thống Trung Quốc, củ sen tính lạnh, có tác dụng giải nhiệt, ngăn chặn sự kích thích, khi có thể biến món ăn tính lạnh thành món ăn tính ấm, có ích cho việc chăm sóc dạ dày, điều hoà âm dương, kiện tì dưỡng khí.
Củ sen phù hợp và đặc biệt tốt đối với người già, phụ nữ và trẻ em, bệnh nhân sốt cao, bệnh nhân bị tăng huyết áp…
Trong củ sen có chứa nhiều chất sắt, là món ăn thích hợp cho người bị thiếu sắt, khí huyết không đủ.
Bác sĩ Chi khuyến cáo, củ sen là thực phẩm thuần tính lạnh, nếu người có tì vị hư hàn, bình thường hay bị lạnh bụng tiêu chảy, đau dạ dày, tiêu hoá kém thì tốt nhất là không nên ăn.
Phụ nữ bị đau bụng kinh cũng nên hạn chế ăn nhiều.
Nếu bình thường nhóm người này thích ăn củ sen, thì nên chế biến thành món ăn nóng để ăn, hoặc nấu cùng với các thực phẩm có tính ấm để món ăn trở nên cân bằng, chỉ là không nên ăn quá nhiều cùng lúc.