Sáng 3/1, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) với chỉ số chất lượng không khí AQI ở mức 284, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Xếp tiếp theo là các thành phố Delhi (Ấn Độ), Karachi (Pakistan) và Vũ Hán (Trung Quốc). Trước đó, liên tiếp trong các ngày đầu tiên của năm mới 2025, thủ đô Việt Nam cũng nằm trong top đầu các nước ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.
Cũng theo IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại quận Tây Hồ cùng thời điểm đã lên tới ngưỡng rất nguy hiểm, đạt thang màu nâu – cao nhất trong thang đánh giá.
Thời gian vừa qua, nhiều khu vực nội thành Hà Nội liên tục rơi vào tình trạng “chìm” trong bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí ở top đầu thế giới. Chỉ riêng trong năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1 – 4 và một đợt vào đầu tháng 10. Cá biệt, có thời điểm, IQAir xếp Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí trong 3 ngày liên tiếp từ 4-6/3/2024 cùng với chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức rất cao.
Bụi mịn là gì?
Bụi là hỗn hợp phức tạp bao gồm các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter – ký hiệu PM. Bụi mịn bao gồm những hạt bụi có kích thước siêu vi với:
PM10 – Các hạt bụi dạng rắn hoặc lỏng siêu nhỏ với kích thước đường kính từ 2.5 – 10 µm (micromet).
PM2.5 – Các hạt bụi dạng rắn hoặc lỏng siêu nhỏ với kích thước đường kính hơn hoặc bằng 2,5 µm, nhỏ hơn sợi tóc khoảng 30 lần (sợi tóc có kích thước từ 50 – 70 µm).
Bụi mịn nguy hiểm thế nào?
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25 μg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần.
Nhận định chung về chất lượng không khí Hà Nội và xu hướng thì bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm đều vượt QCVN 05:2013/BTNMT; gấp nhiều lần khuyến nghị của WHO.
Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân khách quan là vào mùa đông miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được gây ô nhiễm chất lượng môi trường không khí. Nguyên nhân chủ quan là từ nguồn giao thông, tiếp theo là công nghiệp, xây dựng và đốt mỏ.
Bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể con người ở bất cứ vị trí nào hở ra, ví dụ như da, hệ hô hấp, hệ tuần tuần hoàn, mắt. Đây cũng là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm như tim mạch, huyết áp, thậm chí là ung thư.
Bụi siêu mịn khi tiếp xúc lâu dài gây gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim. Ước tính rằng, PM2.5 tăng 10 µg/m3 thì số bệnh nhân cấp cứu vì bệnh cao huyết áp sẽ tăng 8%, các bệnh về tim mạch cũng tăng lên. Do đó, những người có vấn đề về hô hấp và tim, trẻ em và người già nhạy cảm với bụi bẩn cần cẩn thận để đề phòng biến chứng.
Đối với những người thường xuyên làm việc trong môi trường ngoài trời như cảnh sát giao thông còn có khả năng bị các triệu chứng hô hấp và suy giảm chức năng phổi như viêm xoang ở người lớn và bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh. Các bà mẹ tiếp xúc lâu ngày có thể bị sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh và tử vong.
Bên cạnh đó, bụi PM2.5 còn được mệnh danh là “sát thủ âm thầm” bởi nó có thể thúc đẩy bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan. PM2.5 gây ra kháng insulin, viêm và góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Đeo khẩu trang ngăn được bụi mịn không?
Rất khó để tránh tiếp xúc với bụi mịn, đặc biệt là đối với những người dân sinh sống tại các thành phố lớn.
Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
Các chuyên gia y tế lưu ý, khẩu trang vải thông thường là chưa đủ để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn nguy hiểm.
Khẩu trang vải rẻ tiền và thời trang, lại có thể giặt để tái sử dụng nên rất thông dụng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các sợi vải khá lớn nên có tác dụng ngăn các hạt bụi lớn là chủ yếu, các hạt bụi mịn có thể đi qua khe thoáng giữa các sợi vải dễ dàng nên khả năng ngăn ngừa bụi mịn khá hạn chế.
Khẩu trang y tế thường được làm bằng 3 lớp vải không dệt, có 1 thanh nhôm để uốn khẩu trang cho sát với khuôn mặt nên hạn chế được khe kẽ gây lọt bụi. Loại này có khoảng cách giữa các sợi vật liệu dày hơn khẩu trang vải thông thường.
Khẩu trang chuyên dụng, có nhiều loại, trong đó sẵn có hơn cả là loại N95 hay N99. Loại này cấu tạo bởi nhiều lớp vật liệu, có thể có cả những thành phần hấp phụ như than hoạt nên khả năng lọc bỏ các mầm bệnh và bụi mịn tốt hơn. Nhưng loại khẩu trang này khá đắt tiền và rất bí, nên thường chỉ được sử dụng cho những người làm việc trong môi trường lây nhiễm, độc hại và cũng chỉ đeo được trong thời gian không quá lâu.
Đánh giá về tác dụng loại bỏ bụi mịn của 3 loại khẩu trang trên, các nhà khoa học của trường Đại học Massachusetts (Mỹ) đã nghiên cứu và nhận thấy: Khẩu trang vải có thể lọc được từ 39 đến 65% số bụi mịn. Khẩu trang y tế lọc 60% hạt 0,03 micron và hơn 90% hạt 1 micron và 2,5 micron. Còn khẩu trang N95, N99 lọc được hầu hết các loại bụi mịn.
Theo khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, người dân nên chọn loại khẩu trang có ký hiệu N95 hay N99 khi ở các thành phố ô nhiễm không khí. Nếu dùng đúng cách có thể lọc được 95-99% bụi có kích thước 0.3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus.