Bài đăng về dịch vụ chụp ảnh ly hôn của người dùng Xiaohongshu với danh xưng nhiếp ảnh gia Xiao Zhao, được đăng tải vào ngày 17/12, thu hút hơn 13 nghìn lượt bình luận và 15 nghìn lượt thích. Nhiều người bày tỏ sự khó hiểu, thậm chí là phản đối.
“Bây giờ người ta chơi trội thật đấy, ly hôn còn thuê cả nhiếp ảnh gia đi theo. Xong việc này rồi họ định đi ăn mừng ở đâu nữa đây?”, một người dùng bình luận. Trong khi đó, một người khác cho rằng: “Còn kiên nhẫn diễn kịch chụp ảnh thì sao không làm hòa luôn?”.
Tuy nhiên, không ít người ủng hộ dịch vụ này, coi đó là cách để chấp nhận ly hôn như một sự giải thoát, đồng thời tìm kiếm hình thức mới để lưu giữ kỷ niệm về một chương đã khép lại.
Nắm bắt xu hướng trên, Tan Mengmeng, một nhiếp ảnh gia 28 tuổi ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), đã mở rộng dịch vụ chụp ảnh của mình, không chỉ dừng lại ở ảnh cưới mà còn ghi lại khoảnh khắc “đường ai nấy đi” của các cặp đôi.
Sự thay đổi trong dịch vụ của Tan Mengmeng đến từ bối cảnh tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc giảm mạnh.
Kỷ niệm sự kiện ly hôn
Số liệu thống kê cho thấy từ khoảng 13 triệu cặp kết hôn vào năm 2013, con số này đã giảm xuống chỉ còn dưới 7 triệu vào năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Ngược lại, tỷ lệ ly hôn lại tăng vọt, đạt mức kỷ lục 4,7 triệu vào năm 2019, cao gấp 4 lần so với 2 thập kỷ trước.
Chính phủ đã áp dụng luật “thời gian suy nghĩ” 30 ngày trước khi ly hôn vào năm 2021, nhưng biện pháp này chỉ có tác dụng tạm thời. Số vụ ly hôn tiếp tục tăng 25% trong năm 2023 so với năm trước đó.
Kể từ khi bắt đầu chụp ảnh ly hôn vào năm ngoái, Tan đã ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt cho khoảng 30 cặp đôi.
“Đây là một dịch vụ tiềm năng. Suy cho cùng, cả niềm vui và nỗi buồn đều đáng được lưu giữ. Không có gì đáng xấu hổ khi dũng cảm ly hôn. Cả hai bên vẫn còn tình cảm và muốn lưu giữ kỷ niệm về mối quan hệ”, cô chia sẻ.
Ngày càng nhiều người trẻ chấp nhận ly hôn như một lựa chọn để giải thoát bản thân khỏi những mối quan hệ không hạnh phúc. Trên mạng xã hội Xiaohongshu, hình ảnh các cặp đôi ký đơn ly hôn hay tạo dáng bên cạnh giấy chứng nhận ly hôn không còn là điều xa lạ, theo Washington Post.
Theo Peng Xiujian, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Victoria (Australia) thế hệ trẻ ngày càng đề cao tự do cá nhân và phát triển sự nghiệp. Quan niệm “cố gắng duy trì hôn nhân vì thể diện” hay vì trách nhiệm đang dần mất đi sức ảnh hưởng.
Dịch vụ chụp ảnh ly hôn cũng ghi nhận nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những buổi chụp hình lắng đọng với giọt nước mắt tiếc nuối, như câu chuyện của cặp đôi tái hiện lại buổi hẹn hò đầu tiên tại nhà hàng quen thuộc. Dù tình cảm vẫn còn nhưng mâu thuẫn gia đình và áp lực công việc đã đẩy họ đến bờ vực tan vỡ.
Tuy nhiên, không phải cuộc chia tay nào cũng diễn ra trong êm đẹp. Nhiếp ảnh gia Tan Mengmeng từng chứng kiến cảnh người chồng thờ ơ nghịch điện thoại suốt buổi chụp trong khi người vợ khóc nức nở.
Dù phần lớn khách hàng là phụ nữ, Tan luôn đảm bảo cả hai bên cùng chia sẻ chi phí chụp ảnh, thể hiện sự công bằng và tôn trọng trong mối quan hệ đã kết thúc.
Dịch vụ ‘nhà xác’ ảnh cưới
Ngoài việc chụp ảnh kỷ niệm, nhiều người cũng muốn xoá sạch mọi dấu vết của hôn nhân tan vỡ, điều này dẫn đến các dịch vụ ly hôn khác “triệt để” hơn.
Cách thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) khoảng 100 km, Liu Wei và đội ngũ của mình đang điều hành một “nhà xác ảnh cưới”, nơi giúp các cặp đôi ly hôn xóa sạch những dấu vết của cuộc hôn nhân đã qua.
Tại đây, những bức ảnh cưới cũ được phun sơn che mặt để bảo vệ sự riêng tư, trước khi bị ném vào máy nghiền cùng với những kỷ vật tình yêu khác. Toàn bộ quá trình này được quay phim lại để giúp khách hàng cảm thấy được giải thoát và bước tiếp.
Ảnh cưới cũ được phun sơn che mặt, kỷ vật bị nghiền nát, toàn bộ quá trình được quay phim lại.
Liu ví mình như bác sĩ tâm lý, giúp khách hàng vượt qua nỗi đau chia ly và hướng đến khởi đầu mới. Dịch vụ có giá 8-28 USD, đã phục vụ 2.500 cặp đôi kể từ năm 2021.
Gary Ng, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, nhận định với tỷ lệ ly hôn tăng cao, những dịch vụ liên quan sẽ còn phát triển mạnh tại Trung Quốc.