Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024
spot_img
HomeTin mớiNam shipper biết 3 ngoại ngữ gây sốt

Nam shipper biết 3 ngoại ngữ gây sốt


“Bạn đến từ Nhật Bản sao? Tôi có thể nói được một chút tiếng Nhật đấy”, trong một clip, Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 2002, quê Sơn Tây, Hà Nội) vui vẻ bắt chuyện khi gặp một vị khách người nước ngoài.

Cả hai giới thiệu qua lại, vị khách ngoại quốc cũng bất ngờ trước khả năng sử dụng tiếng Nhật trôi chảy của nam tài xế Việt.

“Hay bạn dạy tiếng Việt cho tôi đi. Chúng ta kết bạn qua mạng xã hội nhé”, vị khách chủ động đề nghị. “Được thôi, tôi cũng rất muốn học thêm tiếng Nhật”, Nhàn hào hứng.

Đó là một trong rất nhiều vị khách dễ mến mà Thanh Nhàn có cơ duyên gặp gỡ khi làm tài xế xe công nghệ, công việc anh theo đuổi ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Chia sẻ với Tri Thức – Znews, Nhàn cho biết đây là lựa chọn anh đã cân nhắc kỹ, cũng là hướng đi mới anh muốn mở ra để khám phá, thử thách bản thân.

“Tất nhiên có chút vất vả hơn nếu so với công việc văn phòng, nhưng tôi nhận được rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm quý giá mà không phải công việc nào cũng đem lại được”, Nhàn bày tỏ.

Cử nhân làm shipper

Thanh Nhàn tốt nghiệp Đại học Phương Đông, chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản. Ban đầu, anh cũng ứng tuyển vào một số công ty, song cảm thấy không phù hợp sau một thời gian vì nhiều lý do.

Cuối cùng, Nhàn quyết định làm tài xế xe công nghệ, đồng thời bắt đầu xây kênh TikTok ghi lại cuộc sống thường ngày.

“Tôi thích tiếng Nhật, cũng mong có thể làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường. Nhưng học là một chuyện, đi làm là chuyện khác.

Xem thêm  Loạt rủi ro khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử 'chui'

Tôi thấy nhiều anh chị tốt nghiệp đi trước cũng phải làm trái ngành vì cuộc sống, với tôi cũng vậy, nhưng thay vì chọn công việc văn phòng như họ, tôi chọn công việc có phần tay chân, vất vả hơn chút là shipper. Cá nhân tôi thấy công việc này khá thú vị, mỗi ngày là một trải nghiệm khác biệt”, Nhàn nói.

Thấy con trai tốt nghiệp đại học nhưng lại chọn công việc cực nhọc, ban đầu gia đình Nhàn cũng lo lắng, khuyên con tìm hướng đi nào nhẹ nhàng, ổn định hơn. Song cuối cùng, cả nhà tôn trọng quyết định và kế hoạch của anh.

Từ chàng trai “mù đường” Hà Nội, ngại ngùng khi nói chuyện với người lạ, Nhàn dần học được cách bắt chuyện, xử lý tình huống và trở nên thông thuộc đường xá phức tạp ở thủ đô.

Tất nhiên, bên cạnh các vị khách dễ thương, trường hợp gặp những vị khách xấu tính, bom hàng hay thậm chí quỵt tiền là điều không lạ với nam tài xế.

“Có lần, tôi chở một vị khách tự xưng là học sinh, không đem theo tiền nên sẽ nhờ mẹ chuyển khoản sau. Tôi tin tưởng, gửi số tài khoản cho em nhưng sau đó không nhận được thông báo nào, gọi điện thoại cũng không hồi âm. Số tiền không lớn, nhưng điều làm tôi buồn là vì đã chọn tin tưởng người ta và nhận lại sự thất vọng. Nếu ngay từ đầu, khách nào nói rằng đang khó khăn, không có tiền, tôi sẵn sàng chở miễn phí, nhưng đừng lợi dụng lòng tin người khác như vậy”, Nhàn kể.

Xem thêm  Hết pickleball đến trang phục chơi cầu lông gây tranh cãi

Nam tài xế ghi lại những tình huống tương tự mình gặp phải, chia sẻ lên kênh video cá nhân. Dần dần, kênh của anh nhận được nhiều lượt xem, theo dõi nhờ những câu chuyện gần gũi. Kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội cũng là một trong những mục tiêu của Nhàn bên cạnh công việc tài xế. Hiện, kênh video chính của anh có gần 130.000 người theo dõi.

“Hiện, tôi có hai nguồn thu nhập chính là từ chạy xe và nhận quảng cáo trên kênh cá nhân, khá ổn định. Tuy nhiên, tôi luôn nhận quảng cáo có chọn lọc, những lời mời như quảng cáo trang web cờ bạc, cá độ trá hình sẽ ngay lập tức từ chối. Xây dựng hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng cũng là điều tôi hướng đến”, anh nói.

Đam mê ngoại ngữ

Ngoài những câu chuyện đời thường gần gũi, điều khiến Nhàn được nhiều người xem thích thú là khả năng sử dụng ngoại ngữ Anh, Nhật, Trung. Mỗi khi chở khách nước ngoài, anh đều chủ động bắt chuyện để nâng cao khả năng nghe nói, vừa tạo thiện cảm, vừa giống như được luyện tập miễn phí.

“Nhiều người khen tôi tự tin nói chuyện với người nước ngoài và hỏi xin bí quyết. Thực ra tôi chẳng có bí quyết gì cả, cứ chăm chỉ luyện nói nhiều lên sẽ tiến bộ thôi. Với tôi, mục tiêu của việc học ngoại ngữ là để giao tiếp, thế nên đừng ngại nói dù ngữ pháp, từ vựng có thể chưa đúng, đừng sợ sai”.

 

Nhàn đang ôn thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật.

Nhàn tâm sự vì chưa từng được đi nước ngoài nên anh tận dụng mọi cơ hội được luyện tập với người bản xứ. Thời sinh viên, anh từng làm việc tại một nhà hàng Nhật Bản và cũng cố gắng giao tiếp với khách. Anh còn kết bạn với một du học sinh người Nhật làm chung nhà hàng để cùng nhau luyện tập.

Xem thêm  Lại xuất hiện áp thấp gần Biển Đông, từ tháng 10 dự báo bão dồn dập, tăng cao so với cùng kỳ các năm

“Nhờ công việc shipper, tôi cũng làm quen được với một giáo viên người Nhật ở Hà Nội. Đến giờ, chúng tôi vẫn hay rủ nhau đi cà phê trò chuyện, dạy nhau ngôn ngữ của đối phương”, Nhàn kể.

Bên cạnh đó, mỗi khi ra ngoài đi làm, nam shipper luôn mang theo hai cuốn sách ngoại ngữ để tranh thủ đọc những khi rảnh rỗi. Ngoài tiếng Nhật theo đuổi từ lớp 12, Nhàn còn học tiếng Trung trong khoảng 1,5 năm ở đại học và tự ôn luyện tiếng Anh. Hiện, anh tập trung ôn luyện để lấy chứng chỉ tiếng Nhật cao hơn và nâng cao khả năng tiếng Anh – ngôn ngữ thông dụng để giao tiếp với khách.

Nhìn lại hành trình vừa qua, Nhàn nói không hối hận khi lựa chọn thử sức với công việc shipper. Trong tương lai, khi nào cảm thấy muốn thay đổi định hướng cuộc sống, công việc, anh sẽ cân nhắc chuyển đổi sau.

“Tôi luôn bảo với mọi người rằng nếu ấp ủ điều gì đó, hãy lên một kế hoạch cho nó và cứ thử làm đi, đừng để dự tính mãi là dự tính, cứ làm mới biết mình đi được đến đâu. Thất bại thì rút kinh nghiệm làm lại, nếu không làm thì chẳng có cơ hội nào dành cho mình cả”, Nhàn chia sẻ.



Theo Gia Đình Việt Nam

Bài viết liên quan
- Advertisment -spot_img

Bài viết mới

Recent Comments