Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì cơn cảm lạnh nhưng lại sợ uống thuốc hay ngại dùng kháng sinh thì có thể áp dụng các liệu pháp điều trị từ thiên nhiên dưới đây để “đánh bay” bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bệnh cảm cúm kéo dài hơn 1 tuần kèm theo các triệu chứng như thở khó, nhịp tim nhanh, cơ thể mệt mỏi hơn…thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có chuẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Phương thuốc từ thiên nhiên điều trị cảm cúm
Súp gà
Súp gà là một lựa chọn tuyệt vời khi cơ thể đã lỡ nhiễm cảm lạnh. Theo Health Line, 1 bát súp gà ấm khi bị bệnh sẽ có thể làm chậm hoạt động của bạch cầu trung tính trong cơ thể. Bạch cầu trung tính là một dạng phổ biến của tế bào máu trắng. Khi chúng di chuyển chậm, chúng sẽ tập trung nhiều hơn tại các vùng bị vi-rút tấn công, từ đó giúp bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, súp gà có hiệu quả đặc biệt trong việc giảm các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp. Đồng thời, nó cũng là món ăn chứa ít natri sẽ giúp cơ thể ngậm nước, tránh hiện tượng mất nước khi bị cảm lạnh.
Gừng
Tác dụng của gừng đã được cả Đông và Tây y xác nhận từ nhiều thế kỷ trước. Gừng có chứa nhiều chất có khả năng dưỡng sinh và phòng bệnh như acid glutamic, serin, acid aspartic, zingiberol… Do đó, bạn có thể dùng vài lát gừng cho vào cốc nước ấm để uống sẽ làm dịu cơn ho, đau họng và hạn chế cảm giác buồn nôn khi cảm lạnh. Hoặc chỉ đơn giản nhai vài miếng gừng tươi cũng sẽ mang lại công dụng tương tự.
Mật ong
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, ngừa cảm lạnh hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn. Bạn có thể kết hợp mật ong với gừng hoặc trà xanh để làm dịu tình trạng đau họng. Các nhà nghiên cứu y khoa đã nhận thấy rằng, cho trẻ em uống 10g mật ong trước khi ngủ sẽ làm giảm bớt các cơn ho, giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn.
Tuy nhiên, tuyệt đối không sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì nó có chứa độc tố botulinum, độc tố này có thể khiến trẻ bị nghẽn đường hô hấp, tê liệt cơ.
Tỏi
Tương tự như mật ong, tỏi cũng có đặc tính kháng khuẩn mạnh nhờ vào hợp chất allicin. Bạn có thể bổ sung tỏi vào trong bữa ăn hàng ngày để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh. Với những người khỏe mạnh, ăn tỏi còn có thể giúp cơ thể tạo ra đề kháng phòng bệnh. Ngoài ra, ăn 1 nhánh tỏi tươi hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa ung thư, giảm nguy cơ đột quỵ và phòng các bệnh tim mạch.
Khi tiêu thụ tỏi, bạn cần lưu ý không ăn lúc dạ dày đang rỗng vì hợp chất allicin có tính nóng, dễ gây viêm loét dạ dày.
Vitamin C
Vitamin C đóng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Các loại thực phẩm giàu vitamin C giúp điều trị cảm lạnh tốt như chanh, cam, bưởi, rau lá xanh… Ngoài công dụng bù nước, tăng sức đề kháng, ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, vitamin C còn có tác dụng tiêu đờm chỉ bằng cách thêm vài giọt nước cốt chanh vào tách trà nóng mật ong để uống mỗi ngày.
Probiotics
Probiotic là những lợi khuẩn sống trong ruột người và tốt cho hệ tiêu hóa. Những vi khuẩn này có tác dụng giữ cho hệ thống miễn dịch và đường ruột của bạn luôn khỏe mạnh và giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp. Sữa chua là món ăn lành mạnh chứa nhiều probiotic. Bên cạnh lợi ích với hệ miễn dịch, duy trì thói quen ăn sữa chua hàng ngày còn cung cấp một lượng canxi và protein cần thiết cho cơ thể.
Ngoài các liệu pháp từ thiên nhiên trên, người bị cảm lạnh cũng cần quan tâm đến độ ẩm của phòng vì vi-rút cúm phát triển mạnh hơn trong môi trường khô. Tăng thêm độ ẩm sẽ giúp cơ thể giảm sự tiếp xúc với vi-rút gây bệnh, trị nghẹt mũi, dễ hô hấp hơn khi nhiễm cảm lạnh. Bạn có thể đặt máy phun sương trong phòng ngủ để giúp cơ thể thấy dễ chịu hơn, đặc biệt là vào mùa đông.
Bên cạnh đó, tắm nước ấm cũng có thể làm giảm các triệu chứng khi bị cảm lạnh ở người lớn và trẻ em hữu hiệu. Có thể thêm vào nước tắm một ít muối, baking soda hoặc vài giọt tinh dầu như hương thảo, cam, oải hương, cam thảo, bạch đàn để tăng thêm tác dụng chữa bệnh.