Trong mưa lũ lớn, nước thường dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa, vật dụng, người dân tìm đường thoát nạn dẫn tới sự tiếp xúc với nước mà không có các vật dụng bảo hộ. Những vùng nước này thường chứa mầm bệnh và hóa chất gây hại cho cơ thể. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ.
Nước ăn chân
Tình trạng nước ăn chân phổ biến ở nhưng nơi ngập lụt sau bão lũ. Thực chất căn bệnh này là do người dân bị nhiễm nấm Candida và Blastomycet.
Nguyên nhân là do môi trường sống bị ngập, người dân bị ngâm tay chân trong nước nhiều, khiến luôn bị ẩm ướt làm cho nấm dễ xâm nhập và phát triển.
Bệnh hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa… khiến bệnh nhân tiếp tục phải gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sẽ hằn sâu và lan rộng, gây nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.
Bệnh ghẻ
Bệnh da gây ra bởi ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (còn gọi là cái ghẻ). Bệnh ghẻ biểu hiện trên da với các nốt đỏ, mụn nước ở các vùng nếp kẽ như: lòng bàn tay, kẽ tay, nách, bụng, vùng sinh dục… và ngứa rất nhiều về đêm. Bệnh ghẻ có tính lây nhiễm cao nên nhiều người trong cùng gia đình có thể bị bệnh.
Bệnh gây ngứa rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hằng ngày. Tăng độ ẩm trong mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho ghẻ sinh sôi phát triển.
Bệnh đường hô hấp
Sau mưa bão, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho virus, kí sinh trùng cũng như nấm mốc sinh trưởng mạnh và dễ dàng tấn công và gây các bệnh thường gặp sau mưa lũ. Hệ hô hấp là một trong những cơ quan dễ bị tấn công nhất.
Các bệnh lý hô hấp thường gặp là cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng… Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể diễn tiến nặng thành viêm phế quản, viêm phổi… Người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đường hô hấp sau mưa
Tiêu chảy cấp
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp sau mưa lũ. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn, vì sau lũ điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân – tay – miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn. Hoặc tại những nơi xảy ra mưa lũ nguồn nước dễ bị nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác.
Tiêu chảy là tình trạng bệnh lý khi có số lần đi tiêu trên 3 lần/ngày, phân lỏng toàn nước, có màu vàng, nâu hoặc trắng đục. Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc dễ dàng gây thành dịch do rất dễ lây lan. Nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm là một trong số những nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ. Con đường lây bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân thông qua bàn tay hoặc các vật dụng trung gian như khăn mặt, chậu rửa, cốc chén, đồ chơi, chăn gối… chưa được vệ sinh sạch sẽ; bệnh cũng có thể lây qua hơi thở, nước bọt người bệnh mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi…
Khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung
– Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
– Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
– Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
– Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế
– Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
– Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
– Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.