Thoái hoá khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp, trong đó thoái hóa khớp gối là hay gặp.
Thoái hoá khớp ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động do làm giảm khả năng vận động của khớp.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh thoái hóa khớp gối
1. Tuổi tác
Theo TS.BS Nguyễn Văn Học, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh thoái hóa khớp gối. Tần suất và mức độ thoái hoá khớp gối tăng theo tuổi.
2. Giới tính
Trước tuổi 55 tỷ lệ mắc thoái hoá khớp gối cân bằng giữa nam và nữ, sau tuổi 55 tần suất ở nữ cao hơn. Sự gia tăng này liên quan đến thay đổi nội tiết tố phụ nữ tuổi mãn kinh.
3. Béo phì
Béo phì được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của thoái hoá khớp gối. Nếu chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index-BMI) tăng 1 đơn vị sẽ làm tăng 15% nguy cơ mắc thoái hoá khớp gối.
4. Bất thường giải phẫu
Dị dạng khớp gối (chân vòng kiềng, chân chữ X) có liên quan đến gia tăng phá hủy cấu trúc khớp gối. Dị dạng khớp vừa là yếu tố nguy cơ mắc, vừa là yếu tố nguy cơ tiến triển.
5. Tiền sử chấn thương khớp
Gãy xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm.
6. Nghề nghiệp, thể thao
Những bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị ảnh hưởng hay quá tải trong nghề nghiệp.
Tham gia các hoạt động thể thao chuyên nghiệp là yếu tố nguy cơ phát triển thoái hoá khớp, tuy nhiên tham gia các hoạt động sinh lý đều đặn không ảnh hưởng trên nguy cơ mắc.
Biến chứng
- Giảm hoạt động sinh hoạt và lao động.
- Tàn tật nếu để muộn.
- Biến chứng do dùng thuốc kéo dài và không đúng.
Biện pháp chẩn đoán
Mặc dù chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, người ta đã có thể chẩn đoán được hầu hết các trường hợp thoái hoá nhưng để xác định rõ mức độ tổn thương cấu trúc cũng như đánh giá sự tiến triển của bệnh, cần sử dụng các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.
X-quang là phương tiện chẩn đoán hiệu quả và và thuận tiện. Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ giúp chẩn đoán các tổn thương phần mềm như sụn chêm, dây chằng…