Đối với người mắc tiểu đường, việc tiêu thụ thực phẩm không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe. TS Hari Lakshmi, chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Phụ sản Chennai (Ấn Độ), chia sẻ với Health Shots về những loại thực phẩm cần tránh để quản lý tốt bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Đường
Những thực phẩm chứa đường như bánh ngọt, kẹo, bánh quy và chocolate cần được hạn chế. TS Lakshmi nhấn mạnh việc tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có đường không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì mà còn khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây viêm và bệnh gan nhiễm mỡ. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.
Thực phẩm ngọt cũng là nguồn cung cấp carbohydrate, làm tăng nhanh đường huyết. Do đó, người bị tiểu đường nên thay thế đồ ngọt bằng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn, giúp duy trì mức đường huyết ổn định.
Thực phẩm chế biến
Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, có thể gây tăng lượng cholesterol “xấu” trong máu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo TS Lakshmi, chất béo chuyển hóa thường được sử dụng để kéo dài thời hạn bảo quản thực phẩm, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến tiểu đường.
Việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn thường xuyên không chỉ làm tăng đường huyết mà còn khiến cơ thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe lâu dài như viêm mạn tính và suy giảm chức năng tim. Người tiểu đường nên ưu tiên các thực phẩm tươi, tự chế biến để kiểm soát tốt đường huyết và tăng cường sức khỏe.
Thực phẩm đóng hộp
Để kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm đóng hộp, các nhà sản xuất thường thêm natri dư thừa và các chất bảo quản khác.
Lakshmi giải thích hộp đựng thực phẩm đóng hộp có chứa hóa chất bisphenol-A (BPA) được dùng để làm cứng hộp. Đây là lý do chính khiến người bị tiểu đường gặp phải các tác dụng phụ tiêu cực. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến tim mà còn có thể làm thay đổi các chức năng bình thường của cơ thể về lâu dài.
Ngũ cốc có đường
Mặc dù ngũ cốc được xem là lựa chọn bữa sáng phổ biến, nhưng những loại ngũ cốc chế biến sẵn thường chứa ngũ cốc tinh chế và hàm lượng đường cao.Việc tiêu thụ ngũ cốc có đường vào buổi sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mạn tính như bệnh tim, tiểu đường type 2 và bệnh gan.
Thay vì ngũ cốc có đường, người tiểu đường có thể lựa chọn yến mạch ngâm hoặc các loại ngũ cốc nguyên cám không thêm đường để đảm bảo đường huyết ổn định.
Trái cây
Trái cây là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng, nhưng một số loại như sung, nho, xoài, anh đào và chuối chứa hàm lượng đường cao, không phù hợp cho người bị tiểu đường. TS Lakshmi khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ những loại trái cây này.
Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như lê, táo, mận hoặc chanh ngọt, nhưng cần ăn ở mức độ vừa phải để tránh tăng đường huyết.