“Thần đồng tiểu thuyết” Nguyễn Bình từng khiến các nhà văn học lớn kinh ngạc
Nguyễn Bình sinh năm 2001 từng được xem là thần đồng của văn học Việt Nam từ khi còn rất nhoe. Được biết, Nguyễn Bình biết nói rành rọt từ khi mới mười mấy tháng tuổi; 3 tuổi đã đọc thông biết thạo và đã biết làm quen với máy vi tính, điện thoại di động; 4 tuổi đã biết nhắn tin cho bố mua cuốn từ điển Hán – Việt; chỉ sau một hai năm, cậu đã có thể đọc vanh vách những văn bia, câu đối tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám…
Năm 10 tuổi, Nguyễn Bình đã hoàn thành và cho ra mắt bộ tiểu thuyết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”. Cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom là câu chuyện giả tưởng mang hơi hướng dự báo một cuộc chiến hành tinh ở Mỹ vào những năm 2015. Tác phẩm bộc lộ kiến thức và cách quan sát tinh tế, phong cách kể chuyện gợi mở.
Được biết, 3 tập tiểu thuyết chỉ được hoàn thành trong 8 tháng – một thời gian ngắn mà không phải một tiểu thuyết gia nào cũng có thể thực hiện được.
Chia sẻ về việc “viết thần tốc” của mình với báo chí, Nguyễn Bình từng tâm sự với Vnexpress: “Em bắt đầu viết ngay đầu năm 2011 (khi đó Nguyễn Bình 10 tuổi – PV). Em cũng không nhớ rõ mất bao lâu thời gian vì lúc viết em không quan tâm đến việc đếm thời gian. Có lúc em viết nhanh, có lúc viết chậm. Em thường nán lại vì muốn xem thông tin có chính xác, đủ độ sâu không và nán lại vì không có thời gian viết. Như tập 1, em mất khoảng 8 tháng, còn các tập sau thì em không nhớ. Sau khi viết xong, em tự sửa câu cú, cho thêm chi tiết vào. Có lúc em tưởng nhầm thông tin phải search lại, nhưng hóa ra lại là đúng”.
12 tuổi, cậu bé Nguyễn Bình tiếp tục hoàn thành bộ phim dài hơn 16 phút với mong muốn giải mã những bí ẩn xung quanh câu chuyện về ngôi nhà ma 300 Kim Mã (Hà Nội).
Thời điểm đó, Nguyễn Bình nổi danh như một “thần đồng tiểu thuyết” – nhận được nhiều lời khen ngợi hết mực từ những nhà văn lớn của Việt nam như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Chu Lai, Bão Vũ…
Theo đuổi sự nghiệp văn học bài bản, chuyên nghiệp
Thời gian trôi nhanh, thấm thoắt cậu bé năm xưa đã thành chàng thanh niên Nguyễn Bình. Không chri dừng lại ở tự nghiên cứu và học tập trong nước, Nguyễn Bình còn chọn con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, rộng lớn hơn khi trở thành cử nhân Khoa học ngành Thiên văn học và Cử nhân Nghệ thuật ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Arizona, Tucson, Hoa Kỳ.
Trong khi du học, Nguyễn Bình đã cho ra mắt Truyện Kiều song ngữ với bản dịch tiếng Anh đã được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bản dịch này đã giúp Nguyễn Bình giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 (năm đầu tiên tổ chức).
Nói về tác phẩm dịch truyện Kiều của Nguyễn Bình, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ:
“Thời điểm hiện tại, qua những bài thơ, có thể thấy Nguyễn Bình đã trưởng thành và trở thành một người lớn thực thụ. Ở đó, ý thức về xã hội, ý thức về con người, ý thức về nhiều vấn đề khác được vang lên…
Và đến Khi Nguyễn Bình tiếp tục dịch Truyện Kiều, càng cho thấy trong hệ thống sáng tác chung của Nguyễn Bình từ nhỏ viết tiểu thuyết giả tưởng cho đến làm thơ, dịch Kiều, và cả những phát ngôn của Nguyễn Bình là một hệ tư duy đặc biệt. Anh nghiên cứu đến tận cùng gốc rễ của mọi vấn đề mà anh đề cập và hướng tới. Anh ta dùng khoa học, triết học, vũ trụ học để chiếu rọi, cộng thêm trí tưởng tượng kỳ diệu và phong phú sẵn có.
Nguyễn Bình là một trường hợp rất đặc biệt. Nhưng sự đặc biệt không dựa vào những bản năng đặc biệt của sự thông minh, thay vào đó là sự nghiên cứu có bài bản, và học hành một cách nghiêm túc. Nguyễn Bình vẫn luôn luôn nghĩ rằng mọi thứ anh viết ra còn vô cùng hãn hữu, hạn hẹp, còn thiếu sót rất nhiều, và anh thường xuyên phải nghiên cứu và đẩy cao các sáng tác của mình.
Còn về dịch giả Nguyễn Bình, khi nói về bản thân mình trong những năm gần đây, “thần đồng tiểu thuyết” chia sẻ: “Tôi tin rằng thế hệ của tôi sẽ mang lại những đột phá mới cho thi văn Việt Nam, thông qua việc thử nghiệm với những thứ khác lạ, dẫn dắt những cái cũ đến các khán phòng mới hơn, hay là hàng trăm điều nữa mà tôi cũng chẳng thể tiên đoán. Văn học Việt Nam không thể chết được, thân thể nó chỉ đang hóa thành dạng mới, như nhà thơ Ovid của La Mã đã từng nói ngày xưa. Người đang và sẽ chịu trách nhiệm cho sự hóa thân ấy chính là người trẻ, bất kể họ từ miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, bất kể họ là nam, là nữ, hay không thuộc vào hệ nhị nguyên giới”.